Theo số liệu từ Fubon FTSE Vietnam ETF, trong phiên giao dịch 13/10, quỹ ngoại này đã bị rút ròng 3 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng 1,9 triệu USD (khoảng 43 tỷ đồng) và đây cũng là phiên rút ròng thứ 5 liên tiếp.
Tính chung từ đầu tháng 10 tới nay, Fubon FTSE Vietnam ETF đã bị rút ròng xấp xỉ 10 triệu USD (gần 230 tỷ đồng). Còn nếu tính rộng hơn từ tháng 8 tới nay, Fubon FTSE Vietnam ETF đã rút ròng tổng cộng 94 triệu USD (khoảng 2.140 tỷ đồng) khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, Fubon FTSE Vietnam ETF đã mua ròng khá mạnh trên TTCK Việt Nam, nổi bật trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 với giá trị hơn 12.000 tỷ đồng. Tuy vậy từ tháng 8 tới nay, xu hướng chung của quỹ là bán ròng.
Đáng chú ý, vào giữa tháng 8, Fubon FTSE Vietnam ETF đã được chấp thuận huy động thêm 5 tỷ Đài Tệ (khoảng 180 triệu USD) để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam. Tuy vậy, từ thời điểm đó tới nay, Fubon FTSE Vietnam ETF vẫn chưa thu hút được thêm vốn mới, thậm chí vẫn đang bị rút ròng khá mạnh.
Tại ngày 13/10, quy mô Fubon FTSE Vietnam ETF đạt 13,6 tỷ Đài Tệ (khoảng 489 triệu USD, tương đương 11.100 tỷ đồng). Quỹ sử dụng chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index. Tuy vậy, danh mục quỹ có 31 mã, nhiều hơn 1 mã so với chỉ số cơ sở (có thêm TCH). Trong đó, HPG đang là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục với tỷ trọng 10,6% (20,51 triệu cổ phiếu), xếp tiếp theo lần lượt là MSN (10,58%), VIC (9,8%), VHM (9,32%)…
Một số cổ phiếu trong danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF tại ngày 13/10
Cùng với Fubon FTSE Vietnam ETF, một số quỹ ETFs lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam như DCVFM VNDiamond ETF, DCVFVM VN30 ETF hay FTSE Vietnam ETF cũng đang có xu hướng bị rút vốn khá mạnh thời gian gần đây.
Trong bối cảnh các quỹ ETFs bị rút vốn, khối ngoại đã bán ròng gần 18.000 tỷ đồng trên sàn HoSE từ đầu tháng 8 tới nay. Riêng tháng 10, giá trị bán ròng của khối ngoại là gần 1.700 tỷ đồng.
Theo đánh giá của SSI Research, dòng tiền đầu tư có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút đến từ nhiều lý do khách quan và chủ quan. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong suốt 2 tháng qua (xuất khẩu tháng 8 giảm 1,7%, trong khi xuất khẩu tháng 8 của các quốc gia trong khu vực đều tăng trưởng 2 chữ số). Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá,…do vậy Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này.
Trong tháng 10, thị trường sẽ chào đón thêm một quỹ ETF nội là IPAAM VN100 ETF (Mã CK: FUEIP100) chính thức niêm yết từ ngày 12/10. Quy mô của quỹ còn khá nhỏ với giá trị IPO 52 tỷ đồng nên mức tác động lên thị trường là không nhiều.
SSI Research đánh giá dòng tiền đầu tư của khối ngoại vẫn chưa thể quay trở lại trong ngắn hạn. Dù vậy, nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì trong dài hạn và kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong năm 2023 – 2025 sẽ là động lực giúp dòng vốn ngoại quay trở lại trong năm 2022.