Phiên giao dịch 10/8 chứng kiến áp lực bán ròng khá mạnh của khối ngoại với giá trị gần 600 tỷ đồng trên sàn HoSE. Nếu như không có những giao dịch mua thỏa thuận VHM thì giá trị bán ròng của khối ngoại trong phiên đã lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 8 tới nay, Fubon FTSE Vietnam ETF có xu hướng bị rút vốn khá mạnh. Tính riêng phiên giao dịch 10/8, quỹ ngoại này bị rút ròng khoảng 12 triệu USD (~280 tỷ đồng), qua đó nâng số vốn bị rút ròng lũy kế từ đầu tháng 8 tới nay lên 21 triệu USD (~487 tỷ đồng).
Nhìn vào top những cổ phiếu khối ngoại bán ròng trong phiên 10/8 có thể thấy những cái tên trong danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF như HPG (-159 tỷ đồng), SSI (-149 tỷ đồng), VIC (-86 tỷ đồng), MSN (-52 tỷ đồng), NVL (-47 tỷ đồng)…Đây là động thái trái ngược hoàn toàn so với tháng 7 khi Fubon FTSE Vietnam đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu Việt Nam.
Top 10 cổ phiếu trong danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF tại ngày 9/8
Số liệu thống kê cho biết trong tháng 7, Fubon FTSE Vietnam ETF đã mua khoảng 175 triệu USD (~4.000 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam, qua đó trở thành quỹ mua mạnh nhất thị trường trong cùng khoảng thời gian.
Khi đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Fubon FTSE Vietnam ETF đẩy mạnh giải ngân cổ phiếu Việt Nam có thể đến từ kỳ vọng dịch Covid-19 sớm được kiểm soát và chứng khoán Việt Nam sẽ sớm tăng trở lại như những gì đã diễn ra tại các thị trường khu vực.
Tuy vậy, có thể những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 thời gian gần đây đã khiến quỹ ngoại này trở nên thận trọng hơn.
Fubon FTSE Vietnam ETF dù là quỹ mới thành lập được vài tháng nhưng đã thu hút dòng vốn khá mạnh và hiện là một trong những quỹ ngoại lớn nhất thị trường Việt Nam với quy mô tại ngày 10/8 lên tới 15,4 tỷ Đài Tệ (khoảng 553 triệu USD, tương đương 13.000 tỷ đồng).
Về diễn biến thị trường phiên 10/8, bất chấp việc khối ngoại bán ròng, chỉ số VN-Index tiếp tục giữ được sắc xanh khi đóng cửa tăng 2,57 điểm (0,19%) lên 1.362,43 điểm. Tuy vậy, các nhóm cổ phiếu "nóng" thời gian gần đây như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản đã có dấu hiệu bị chốt lời với nhiều mã giảm điểm. Trong khi đó, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào các cổ phiếu cảng biển, phân bón, dầu khí.