Trong một bài phát biểu tại hội nghị trực tuyến, G20 khẳng định sẽ quyết tâm tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có để bảo vệ thu nhập, việc làm và cuộc sống của người dân, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế toàn cầu và tăng cường khả năng hồi phục của hệ thống tài chính, mặc dù triển vọng kinh tế hiện vẫn chưa chắc chắn.
G20 (hay Nhóm 20) bao gồm các quốc gia Argentina, Úc, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ả Rập, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
G20 đã đưa ra các chương trình giãn nợ nhằm hỗ trợ các nước chống Covid-19. Thứ 7 vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung Ương cho biết, 42 quốc gia đang phát triển đã gửi yêu cầu hoãn trả nợ đối với các khoản vay, với tổng trị giá 5,3 tỷ USD.
Các nước G20 cho biết thêm: "Tất cả các chính quyền chủ nợ song phương nên đáp ứng các đề nghị này một cách đầy đủ và minh bạch".
Trong cuộc họp trực tuyến vào tháng 4 vừa qua, để khuyến khích những quốc gia đang phát triển thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, G20 và các nước Câu lạc bộ Paris đã thống nhất giãn nợ cho các quốc gia trong diện nghèo nhất từ ngày 1/5 đến hết năm nay.
Trong bối cảnh dòng vốn chảy ra từ các nền kinh tế mới nổi đang mất kiểm soát, tại một tuyên bố mới nhất, các quốc gia G20 cho biết họ sẽ xem xét việc mở rộng chương trình giãn nợ trong nửa cuối năm nay, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2018, 59 quốc gia nghèo nhất trên thế giới vẫn còn nợ tồn đọng đối với Trung Quốc. Số nợ này đã chiếm 11,6% GDP của các nước này vào năm 2016, tương đương khoảng 4 lần khoản nợ đối với các quốc gia Câu lạc bộ Paris.
Các nhà đứng đầu ngành tài chính của G20 cũng đã thảo luận về các quy định thuế mới đối với những công ty công nghệ lớn như Google LLC, Facebook Inc., Apple Inc. và Amazon.com Inc., trong bối cảnh nhiều ý kiến cho rằng các mức thuế đối với những doanh nghiệp này còn chưa công bằng.
Các Bộ trưởng Tài chính khẳng định họ sẽ tiếp tục đàm phán về các quy định nhằm thu hẹp sự bất đồng và duy trì hợp tác hướng tới một hệ thống thuế quốc tế hiện đại, công bằng và bền vững.
Hội nghị trực tuyến lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng đáng báo động, số người nhiễm dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Trong báo cáo tháng vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo suy giảm sẽ đạt mức 5,2%, đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng nghiệm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng diễn ra từ năm 1929.