Từ chối khoản viện trợ trị giá 20 triệu USD của G7 để chống cháy rừng Amazon, một quan chức cấp cao của Brazil tuyên bố rằng ông Emmanuel Macron nên để tâm tới "quê nhà và thuộc địa của ông ta" thay vì quan tâm đến tình hình ở Brazil.
"Chúng tôi đánh giá cao (lời đề nghị) nhưng có lẽ tài nguyên đó phù hợp hơn nhiều cho việc tái trồng rừng ở châu Âu", Onyx Lorenzoni, chánh văn phòng Tổng thống Jair Bolsonaro, tuyên bố.
Các nhà lãnh đạo G7 đã đưa ra lời đề nghị viện trợ này trong cuộc họp G7 vừa kết thúc ở thành phố Biarritz của Pháp. Ông Emmanuel Macron, tổng thống nước chủ nhà, đã đưa vấn đề cháy rừng Amazon vào chương trình nghị sự của 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, không chỉ Brazil mà nhiều nhà hoạt động vì môi trường cũng thấy rằng số tiền này không tương xứng. Ông Lorenzoni thì so sánh với vụ cháy nhà thờ Đức bà ở Paris. Số tiền mà người ta dành cho các hoạt động cứu lấy lá phổi của thế giới chỉ bằng một phần rất nhỏ so với hàng trăm triệu USD được quyên góp để xây dựng lại nhà thờ biểu tượng với nhiều phần cấu trúc được làm bằng gỗ.
"Không biết ông ấy muốn dạy chúng ta điều gì", ông Lorenzoni mỉa mai.
Tổng thống Brazil cũng đã xác nhận nước này từ chối khoản viện trợ từ G7.
Trước đó, Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles hoan nghênh khoản viện trợ từ G7. Tuy nhiên, sau cuộc họp giữa ông Bolsonaro và các bộ trưởng, chính phủ Brazil đã thay đổi hướng tiếp cận.
Dữ liệu vệ tinh đã ghi nhận hơn 41.000 vụ cháy rừng ở Amazon trong năm nay, với hơn một nửa số vụ xảy ra chỉ trong tháng này. Các chuyên gia cho rằng hầu hết các vụ cháy đều bắt nguồn từ hoạt động làm nông nghiệp trên những khoảnh đất có được từ việc phá rừng.
Gói viện trợ 20 triệu USD là kết quả cụ thể nhất của Hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra trong 3 ngày tại Pháp. Số tiền này sẽ được dùng cho các hoạt động chữa cháy rừng ở Brazil và Bolivia, chủ yếu là trang trải cho chi phí vận hành máy bay dội nước.
Căng thẳng giữa Pháp và Brazil bùng lên sau khi ông Macron đăng đàn nói rằng cháy rừng Amazon gây ra cuộc khủng hoảng quốc tế và nên được thảo luận tại G7. Tổng thống Brazil Bolsonaro phản ứng bằng cách cáo buộc ông Macron có "tư tưởng thực dân".
Phát biểu trên truyền hình pháp tối 26/8, ông Macron tiếp tục nhắc lại Amazon là vấn đề toàn cầu và tăng cường chỉ trích người đồng cấp Bolsonaro. "Chúng tôi tôn trọng chủ quyền của các bạn. Nó là đất nước của các bạn nhưng cây trong rừng Amazon là lá phổi của hành tinh", ông Macron nhấn mạnh.
Ông Macron cũng nhấn mạnh rằng bên ngoài có thể hỗ trợ Brazil trồng lại rừng đồng thời khẳng định phát triển kinh tế cần có sự tôn trọng với cân bằng tự nhiên. "Chúng tôi không thể cho phép các bạn phá hủy mọi thứ", ông Macron cho hay.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cũng thừa nhận rằng, châu Âu, thông qua việc nhập khẩu đậu nành từ Brazil, không thể vô can trước những áp lực khiến nông nghiệp xâm lấn rừng nhiệt đới. Nhiều phần diện tích rừng ở Brazil được phá hủy nhằm phục vụ mục đích nông nghiệp và dưới thời ông Bolsonaro, việc này đang diễn ra mạnh mẽ hơn.
Với một cái nhìn khách quan, các nhóm hoạt động môi trường cũng nói rằng khoản viện trợ của G7 là không đủ và không giải quyết được động cơ cũng như mục tiêu của việc phá rừng.
"Khoản trợ cấp 20 triệu USD là thay đổi nhỏ, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng ở Amazon liên quan trực tiếp đến việc tiêu thụ quá nhiều thịt và sữa ở Anh và các nước G7 khác", ông Richard George, người phụ trách lĩnh vực rừng của tổ chức Hòa bình Xanh Vương quốc Anh, nhận định.