Gà không có nguồn gốc không rõ ràng, người bán chỉ cho biết lấy tại các cơ sở gà sỉ trong nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng thực chất đây chính là giống gà dai (gà thải loại) không đầu, nhập khẩu Hàn Quốc, thường được các nước làm thức ăn cho gia súc.
Gà đông lạnh không đầu, không chân, không nội tạng được bán với giá 40.000-50.000 đồng/kg
“Về nhập khẩu thịt gà thải loại, trong tất cả các tài liệu trao đổi về yêu cầu vệ sinh thú y đối với việc kiểm dịch nhập khẩu thịt gà từ các nước vào Việt Nam đều không có nội dung nào đề cập đến thịt gà thải loại, đồng thời trên tất cả các bao bì đóng gói sản phẩm cũng chỉ thể hiện các sản phẩm của thịt gà đông lạnh như gà nguyên con, đùi gà, cánh gà,…”, Cục Thú y cho hay.
Trước những lo lắng, hoang mang của người tiêu dùng về chất lượng của gà đông lạnh nhập khẩu, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, đã rà soát toàn bộ các tài liệu và tổng hợp báo cáo từ các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu liên quan đến thịt gà đông lạnh nhập khẩu từ các nước.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, gà mái đẻ giá rẻ này khó có thể là gà trong nước.
Theo ông, tại trang trại gà đẻ trong nước, sau khi lấy trứng khoảng 18 tháng thì sẽ bán lấy thịt. Gà này được gọi là gà đẻ loại, bán với giá 65.000- 70.000 đồng/kg. Do đó, gà mà có giá rẻ như trên chỉ 40.000-50.000 đồng/kg khó có thể là gà trong nước.
Mặt khác, gà đẻ thải thời điểm này không nhiều. Giá trứng đang tăng cao nên các chủ trang trại sẽ giữ gà lại để có thêm lãi, ít cơ sở bán ra để lấy thịt.
Ông Đoán cho rằng, việc nhập khẩu những loại gà này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi gà trong nước bởi khó cạnh tranh về giá. Mặt khác còn ảnh hưởng với cả người tiêu dùng.
Theo ông, Cơ quan thú y cần kiểm tra chặt chẽ việc này vì gà thải loại nhập khẩu bởi gà thường nuôi 2-3 năm để khai thác trứng nên chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng không cao. Thậm chí trong quá trình khai thác trứng thường bị tiêm nhiều vắc xin, thuốc thú y. Chính vì thế mà gà thải loại ở nhiều nước được làm thức ăn cho động vật.
Ngày 18/7, trả lời báo chí, ông Trương Trung Thu, Trưởng phòng Thanh tra Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết loại gà này được nhập từ Hàn Quốc, được làm thực phẩm cho người. Về nguyên tắc khi nhập về đã được cơ quan Thú y kiểm tra theo quy định, đạt yêu cầu mới được nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu bán trên lề đường như vậy dễ phát sinh vi sinh trong quá trình mua bán. Vì vậy khi sử dụng, cơ chế, chế biến phải sơ chế, chế biến kỹ.
Cục Thú y cho biết, đối với thịt gia súc, gia cầm từ các nước xuất khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.
Theo đó, các nhà máy sản xuất thịt của của các nước phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt, nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.
“Theo quy định, tất cả các lô hàng thịt đông lạnh được nhập khẩu vào Việt Nam đều được lưu giữ ở khu vực cửa khẩu nhập và được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ”, Cục Thú y khẳng định.
Các cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu 100% lô hàng thịt nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định của Bộ Y tế, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm yêu cầu mới được phép làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.
Bởi vì, trên các thùng carton chứa đựng thịt đều có nhãn mác hàng hóa (ghi rõ nguồn gốc xuất xứ thịt từ nước nào, ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, hướng dẫn nhiệt độ bảo quản thịt,…).
Theo quy định, định kỳ Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu xây dựng kế hoạch giám sát các chất tồn dư trong thịt nhập khẩu, tổ chức lấy mẫu kiểm tra các chất tồn dư trong thịt nhập khẩu.
Tuy nhiên, Cục Thú y cũng khuyến cáo, để tránh hiện tượng trà trộn thịt không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, người tiêu dùng nếu có nhu cầu sử dụng thịt nhập khẩu thì nên đến các công ty nhập khẩu, siêu thị, cửa hàng,… kinh doanh thịt nhập khẩu có uy tín để mua thịt.
Đồng thời cần xem xét kỹ nguồn gốc xuất xứ thịt (vì các thùng chứa đựng hoặc bao gói các loại thịt nhập khẩu đều có nhãn mác ghi rõ ràng nguồn gốc xuất xứ thịt) để tránh bị các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận thương mại, trà trộn thịt không rõ nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng sức khỏe tới người tiêu dùng.