ExxonMobil vừa đưa ra cảnh báo, đầu tư năng lượng sẽ dịch chuyển ra khỏi Mỹ nếu Chính phủ quyết định cấm sử dụng công nghệ thủy lực cắt phát - kỹ thuật khoan từng giúp thay đổi hoạt động sản xuất dầu nhưng đang bị ba ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ phản đối.
Được biết, “ông lớn” dầu mỏ này đã đầu tư rất nhiều vào mỏ dầu Permian ở Texas và New Mexico – mỏ dầu vốn từng bị coi là mỏ chết nhưng đã hồi sinh nhờ kỹ thuật khoan ngang và thủy lực cắt phá, giúp giải phóng hydrocarbon khỏi đá phiến cực rắn chắc.
Khối lượng khai thác tại đây của công ty nhờ đó đã tăng đến 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thành viên Đảng Dân chủ bao gồm Kamala Harris, Bernie Sanders và Elizabeth Warren đang kêu gọi ngừng hoạt động thủy lực cắt phá do liên quan đến các vấn đề về môi trường và khí hậu.
Bà Warren, một thượng nghị sĩ Mỹ từ bang Massachusetts, từng đăng dòng tweet cho biết, sẽ ban hành lệnh cấm dùng kỹ thuật thủy lực cắt phá ngay ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng.
Trong khoảng một thập kỷ qua, Mỹ đã tăng hơn hai lần sản lượng dầu thô, lên 12 triệu thùng/ngày, phần lớn là nhờ công nghệ thủy lực cắt phá.
Cả Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đều không cấm công nghệ này.
Tuy nhiên, giờ đây, khả năng về một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đang khiến các công ty năng lượng lo ngại.
Theo đó, nếu kỹ thuật trên bị cấm, giá dầu có thể vọt lên 85 USD/thùng, so với mức 55 USD/thùng hiện tại, theo Tudor, Pickering, Holt, một ngân hàng đầu tư.
"Tôi cho rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm cấm sử dụng công nghệ thủy lực cắt phá hoặc hạn chế nguồn cung dầu cũng sẽ không thể khiến nhu cầu đối với tài nguyên này suy giảm. Nó chỉ khiến các lợi ích kinh tế dịch chuyển từ nước Mỹ sang các quốc gia khác mà thôi. Đồng thời, điều này cũng có nguy cơ tác động lên giá dầu ở Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung", ông Neil Neilen, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ nhà đầu tư của Exxon, nhận định.
Các phát biểu trên được đưa ra trong khi Exxon đang phải hầu tòa ở New York sau khi bị Tổng chưởng lý tiểu bang kiện về cách họ công bố các thông tin về nguy cơ biến đổi khí hậu tới các nhà đầu tư.
Rex Tillerson, giám đốc điều hành từ năm 2006 đến 2016, đã đồng ý đứng ra làm chứng trong vụ kiện.
Trong 5 năm tới, Exxon đặt mục tiêu nâng sản lượng dầu tại mỏ Permian lên 1 triệu thùng/ngày.
Ông Hansen cho biết, công ty mới chỉ đang khai thác vài trăm trong số khoảng hơn 8.000 giếng dầu tại đây. Đến cuối quý III/2019, công ty đã có 55 giàn khoan tại mỏ.
Khi được một nhà phân tích hỏi về rủi ro chính trị liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, ông Hansen cho rằng, dù hoạt động ở bất cứ đâu, thì doanh nghiệp vẫn luôn phải đối mặt với rủi ro chính trị.
Và việc có một danh mục đầu tư trên toàn cầu sẽ giúp Exxon giảm thiểu các rủi ro pháp lý.
Trên thực tế, bất kỳ lệnh cấm nào của Mỹ đối với công nghệ thủy lực cắt phá có lẽ sẽ bị giới hạn ở vùng đất do chính phủ liên bang kiểm soát.
Trong khi các bang như New Mexico và Wyoming có nguồn tài nguyên năng lượng rộng lớn trên đất liên bang, thì các bang quan trọng như Texas và Pennsylvania không có.
Ông Jay Johnson, Phó Chủ tịch điều hành thượng nguồn tại Chevron cho rằng, công nghệ thủy lực cắt phá đã mang lại lợi ích kinh tế lớn cho đất nước cũng như cho các công ty liên quan.
Sản lượng khai thác của Chevron tại mỏ Permian trung bình đạt 455.000 thùng/ngày trong quý III vừa qua, tăng hơn một phần ba so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cùng với nhiều “gã khổng lồ” năng lượng khác, cả Exxon và Chevron đều công bố lợi nhuận giảm mạnh trong quý III vừa qua, do giá dầu và khí đốt đi xuống.
Theo đó, kết thúc quý III, lãi sau thuế của Exxon chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm gần một nửa so với mức 6,2 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Còn Chevron kiếm được 2,6 tỷ USD, giảm hơn một phần ba so với 4 tỷ USD trong quý IIII/2018.