Sau 4 năm công tác trong ngành truyền thông, anh Bùi Văn Hải (Quảng Xương, Thanh Hóa) chuyển hướng sang làm kinh doanh và xây dựng thành công mô hình nuôi ốc nhồi.
Cơ duyên "làm bạn với ốc"
Sau 4 năm gắn bó với nghề viết, anh Bùi Văn Hải, sinh năm 1981 ở Quảng Xương (Thanh Hóa) quyết định chuyển hướng sang làm kinh doanh. Năm 2010, anh Hải cùng với em trai mở công ty vệ sĩ ở TPHCM rồi phát triển chi nhánh ra Hà Nội.
"Trong một lần đi ăn ở Hà Nội, tôi thấy nhà hàng có món ốc nhồi rất ngon. Thấy thú vị, tôi mới tò mò tìm hiểu thì thấy thị trường này rất tiềm năng trong khi nguồn cung lại đang thiếu. Cho nên, tôi đã quyết định về quê đào ao, nuôi ốc", anh kể.
Vốn sinh ra ở nông thôn, ngay từ bé, anh Hải đã quen với ruộng đồng, cây cối. Do đó, anh rất muốn trở về quê để gây dựng sự nghiệp. Nghĩ là làm, anh và em trai bỏ ra khoảng 300 triệu đồng để đào ao, mua con giống và xây dựng mô hình chăn nuôi.
"Hồi đó, thị trường ốc nhồi không phát triển như bây giờ. Dù tôi có ý tưởng nuôi nhưng chẳng có chỗ cung cấp, mua giống với số lượng lớn nên tôi phải nhờ bà con ở quê đi bắt về, rồi thu mua, có bao nhiêu lại đổ vào ao nuôi, rồi nhân giống dần dần", anh nói.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên lượng ốc trong ao nhà anh Hải chết dần chết mòn. Thậm chí, có thời điểm, anh còn trắng tay, thua lỗ khi ốc trong ao đồng loạt nhiễm bệnh, nhất là vào mùa đông. Bởi đặc tính của ốc nhồi là sợ rét, nếu không có chỗ trú an toàn, chúng sẽ chết.
"Tôi nhớ, hồi mới nuôi, tôi có lên các trang mạng tìm kiếm về thông tin, cách thức chăm sóc, nuôi ốc nhồi nhưng gần như là không có. Bất đắc dĩ, tôi cứ nuôi theo phương pháp cũ, thấy bà con trước làm thế nào thì làm theo nhưng hiệu quả thu về không cao", anh tâm sự.
Bứt phá để thành công
Sau 4 năm ròng rã, vừa học vừa làm, anh Hải đã tìm ra con đường. Thay vì chỉ đào ao nuôi, nuôi, thả ốc theo cách thông thường, 8X này đã hình thành các bể nuôi chuyên dụng, xây khu nhà màng để cho ốc trú ngụ vào mùa đông cùng với đó là thiết kế hệ thống xử lý nước chạy quanh trang trại.
Hiện nay, trung bình mỗi năm, anh Hải bán ra thị trường hơn 60 tấn ốc thương phẩm mang về doanh thu gần 6 tỷ đồng. Đa phần, hàng sẽ được anh cung cấp chủ yếu cho các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh thành khác.
"Để giá cả, chất lượng ổn định, toàn bộ số ốc nhồi nhà tôi đều nuôi theo phương pháp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thức ăn của ốc chủ yếu là bèo, lá sắn, lá khoai và các loại hoa quả phù hợp", anh thông tin.
Theo tiết lộ, hiện nay, toàn khu nuôi ốc nhồi của anh Hải lên tới 12 ha. Ngoài sử dụng nguồn ốc tự nuôi, anh còn liên kết, hướng dẫn cho bà con nông dân cùng nuôi và bao tiêu, lo đầu ra cho sản phẩm. Hiện giá cho mỗi cân ốc nhồi dao động 70.000 - 100.000 đồng/kg.
"Nhà tôi ngoài bán ốc thịt thì còn cung cấp cả ốc giống, bao tiêu cho khách hàng từ miền Bắc trở vào Phú Yên. Từ tháng 3 âm lịch đến tháng 10 âm lịch là thời gian ốc sinh sản nên tôi nuôi bán và giống. Từ tháng 7 âm lịch trở đi là thời gian bán ốc thịt, tôi cung cấp cho các đơn vị thu mua", anh thông tin.
Tuy nhiên, sau một thời gian kinh doanh, anh Hải nhận ra, nếu chỉ bán ốc con sống thì trang trại khó mở rộng được tệp khách hàng. Cho nên, anh Hải dự kiến trong thời gian tới sẽ nhập thêm máy móc, thiết bị để về chế biến ốc. Theo quy trình, ốc sẽ được tách vỏ, làm sạch, hút chân không, xử lý đông lạnh rồi đóng gói.
"Dịch Covid-19 ập đến khiến việc tiêu thụ ốc nhồi gặp nhiều khó khăn khi các tỉnh, thành phố lần lượt thực hiện giãn cách xã hội. Trong khi, ốc đến kỳ thì vẫn phải sinh sản và lớn lên, nên tôi cần một thị trường đủ lớn để lo đầu ra. Đứng trước thách thức như vậy, tôi mới nghĩ rằng, mình cần phải chuyển đổi, đưa ốc vào chế biến", anh nói.
Theo anh Hải, việc chuyển đổi mô hình này sẽ là bước tiến dài trong tương lai khi ốc nhồi nhà anh sẽ vào được các siêu thị và cung cấp đến tay mọi người tiêu dùng trên cả nước.
Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Văn Giáp, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Tân Phong (Quảng Xương, Thanh Hóa), thông tin, mô hình nuôi ốc nhồi của anh Bùi Văn Hải được hội nông dân và chính quyền đánh giá cao. Mô hình này tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và giúp thu mua ốc nhồi thương phẩm cho bà con nông dân từ miền Bắc trở vào Phú Yên.
(Theo Dân Trí)