Để ứng phó với những tác động từ đại dịch, trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí hoạt động và duy trì tình hình tài chính; trong đó bao gồm hỗ trợ các khoản nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp, giãn nộp bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn, giãn thuế... Mặc dù những nỗ lực này được các doanh nghiệp đánh giá cao nhưng mỗi khu vực doanh nghiệp lại đón nhận các chính sách này theo những cách rất khác nhau.
Theo báo cáo mới đây do VCCI tiến hành điều tra với trên 12.000 doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, 57% doanh nghiệp được hỏi cho biết khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; 44% doanh nghiệp được hỏi không tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và gần 40% doanh nghiệp cho biết chưa đến được với chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng... Trong khi nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước ngặt nghèo như vậy thì việc tự lực để tiếp cận nguồn tài chính ngân hàng cũng không thuận lợi và dễ dàng.
Cũng theo kết quả điều tra của VCCI cho thấy, 83% doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp; 60% doanh nghiệp nhận thấy lãi suất và các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn hơn so với các doanh nghiệp Nhà nước; 46% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn còn rất phiền hà và 39% doanh nghiệp được hỏi cho biết ngân hàng, các tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp. Đó là chưa kể, có khoảng 38% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "việc bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng để được vay vốn là phổ biến"; thậm chí có tới 26% doanh nghiệp phản ánh hiện tượng "cán bộ ngân hàng/tổ chức tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ"...
Phản ánh từ thực tiễn địa phương, ông Trác Anh, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ sản xuất Thanh Long Bình Thuận cho hay, từng được nghe, được tuyên truyền nhiều về một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ giúp các doanh nghiệp vượt khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19.
Là đầu mối của nhiều hợp tác xã thành viên và ông cũng đã từng đại diện gửi văn bản kiến nghị tới các sở, ngành tại địa phương như công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính để đề xuất việc hỗ trợ giải pháp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, xử lý tồn kho và bù đắp thêm kinh phí duy trì vận hành sản xuất, duy trì hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động… Tuy nhiên, một phần do khó đáp ứng các điều kiện đề ra theo quy định, phần khác là vì các thủ tục xét duyệt phải qua nhiều cấp ngành mất không ít thời gian đi lại và trao đổi khiến doanh nghiệp thấy "nản".
Mong sao, tới đây, các chính sách của Nhà nước cần có sự điều chỉnh, mở rộng phạm vi áp dụng cho các đối tượng được hưởng lợi nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi họ mới chính là khu vực dễ chịu tổn thương nhất do dịch bệnh. Các thủ tục cũng cần được đơn giản hóa và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, dễ thực hiện hơn..., Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ sản xuất Thanh Long Bình Thuận đề xuất.
Đánh giá tình hình chung của đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế cho rằng, do cơ cấu vốn của nhiều doanh nghiệp còn bất hợp lý. Nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30%, trong khi số còn lại phải dựa vào nguồn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho các doanh nghiệp khi phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn lớn dẫn tới hiệu quả sinh lời thấp do các ngân hàng thương mại thường không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của số đông doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, thị trường tín dụng đang phải chịu áp lực lớn khi vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, nên về lý thuyết và dựa vào kinh nghiệm triển khai của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, thị trường chứng khoán đang được xem là kênh huy động vốn rất hiệu quả, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thị trường tài chính; đồng thời, giải quyết được sự mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Thành khuyến nghị, muốn huy động nguồn vốn có hiệu quả phải tập trung vào xác định cơ cấu vốn; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn như: huy động vốn từ vốn góp ban đầu; huy động vốn từ lợi nhuận không chia mà dùng để tái đầu tư; huy động vốn từ phát hành cổ phiếu thông qua thị trường chứng khoán; huy động bằng tín dụng ngân hàng thông qua hợp đồng vốn với ngân hàng thương mại; huy động bằng tín dụng thương mại và huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong số các hình thức nói trên, theo ông Thành huy động vốn qua thị trường chứng khoán là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả to lớn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kiện toàn quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và có mục tiêu, chương trình kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể hàng quý, hàng năm; tạo áp lực thúc đẩy hội đồng quản trị, ban giám đốc thực hiện chiến lược, mục tiêu, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận....
Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán thực chất là huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong thực tiễn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã huy động thành công hàng tỷ đô la Mỹ trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Masan...từ các tập đoàn và quỹ đầu tư nước ngoài. Đó có thể là những hình mẫu mà các doanh nghiệp tư nhân nghiên cứu, tham khảo và học học kinh nghiệm, ông Thành nhấn mạnh.