Trước thông tin Đà Nẵng "rập rình" tăng giá đất, chính quyền thành phố khẳng định chưa có chủ trương này. Song, giá đất hiện tại có phù hợp với thị trường và tác động của nó tới kinh tế khó khăn của Đà Nẵng mấy năm qua?
Chưa tăng, giá đất Đà Nẵng đã chót vót
Theo bảng giá giai đoạn 2020-2024, giá đất ở cao nhất tại Đà Nẵng là 98,8 triệu đồng/m2; giá đất thương mại, dịch vụ cao nhất là hơn 79 triệu đồng/m2; giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cao nhất là hơn 59,2 triệu đồng/m2.
“Đỉnh” giá đất Đà Nẵng hiện hành ngang bằng với “đỉnh” của năm 2019, cao hơn mức trên 96 triệu đồng/m2 của năm 2017.
So sánh với các địa phương khác, giá đất cao nhất tại Đà Nẵng đang cao gấp 3,6 lần mức cao nhất 27 triệu đồng/m2 tại tỉnh Khánh Hòa (khu vực TP. Nha Trang), cao gấp rưỡi mức 65 triệu đồng/m2 tại Huế, gấp khoảng 2,5 lần mức 40 triệu đồng/m2 tại Đồng Nai... Giá đất Đà Nẵng chỉ thấp hơn Hà Nội (cao nhất 188 triệu/m2) và TP.HCM (cao nhất 162 triệu/m2).
Đà Nẵng là thành phố có mức giá đất đắt đỏ hàng đầu cả nước |
Tại đợt điều chỉnh tăng giá đất theo Quyết định 06 ngày 31/1/2019, TP. Đà Nẵng lý giải nguyên nhân do giá bất động sản trên thị trường tăng mạnh. Nhưng kể từ sau giai đoạn sốt đất cuối năm 2017, đầu năm 2018 đến nay, giá thị trường tiếp tục biến động theo chiều hướng đi xuống.
Trước thông tin cho rằng Đà Nẵng “rập rình” tăng giá đất, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, khẳng định, việc tăng giá đất đến nay vẫn chưa có chủ trương hay chỉ đạo gì từ lãnh đạo TP. Ông Vinh nói thêm, Sở TN-MT đã có khảo sát độc lập, nếu giá đất tăng hoặc giảm liên tục trong 6 tháng với tỷ lệ 20% sẽ trình kiến nghị xem xét điều chỉnh tăng hoặc giảm giá đất.
Vài năm trở lại đây, Đà Nẵng gần như không có thêm dự án mới nào quy mô lớn được hoàn thành, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn tại Đà Nẵng cho hay, với bảng giá đất hiện tại, khó có doanh nghiệp nào đủ can đảm theo đuổi dự án mới. Các doanh nghiệp đã và đang hoạt động, đầu tư tại Đà Nẵng thì “sống dở, chết dở” vừa vì dịch bệnh lại thêm gánh nặng chi phí đất đai.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư cũng đã đến Đà Nẵng tìm hiểu, nghiên cứu dự án, song giá đất quá cao vẫn là rào cản lớn. Ví dụ, với diện tích khoảng 17 ha, nhà đầu tư cần 2.000 tỷ đồng để thanh toán tiền giá đất của Đà Nẵng. Với mức giá này, rất khó để thu hút nhà đầu tư, trong khi nếu so sánh lợi thế đầu tư về thị trường, dân số, cơ hội thu hồi vốn thì Đà Nẵng hiện tại không thể so sánh với Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác.
Năm 2020, Đà Nẵng nằm trong nhóm 5 địa phương có kinh tế tăng trưởng âm của cả nước. Tại hội nghị mới đây về đẩy mạnh thu hút đầu tư của TP. Đà Nẵng trong 3 năm 2018-2020, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh: cần nhìn nhận nghiêm túc những hạn chế còn tồn đọng trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, cần quan tâm 2 vấn đề: đầu tư vào TP chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế; so với các địa phương khác, Đà Nẵng có dấu hiệu tụt hậu dần về thu hút đầu tư.
Giảm chi phí đất đai để hấp dẫn đầu tư
Trước thực tế các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang vật lộn với quá nhiều khó khăn, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, cho biết, hiệp hội đang tập hợp ý kiến doanh nghiệp để đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Một trong số đó là kiến nghị TP tính toán lại những chi phí liên quan tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch vì tiền thuê đất sẽ bị tác động bởi giá đất.
“Mong rằng nếu TP điều chỉnh giá đất thì nên điều chỉnh có lộ trình theo tình hình phục hồi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tương lai gần nên giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch vì doanh nghiệp hiện không còn dòng tiền chi trả" - ông Dũng nói.
Trước nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về việc Đà Nẵng cần xem xét điều chỉnh giảm giá đất, tạo cơ chế ưu đãi để các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi hậu Covid-19, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: “Chúng ta đang thực hiện kinh tế thị trường, mà kinh tế thị trường thì giá cả thay đổi theo cung cầu của thị trường. Tại thời điểm này ở Đà Nẵng, cầu giảm xuống thì giá giảm xuống. Xu hướng này theo tôi còn kéo dài chứ không phải một, hai tháng sau đó quay trở lại như trước".
"Do đó, rất hợp lý khi TP. Đà Nẵng xem xét điều chỉnh giá đất để giảm tiền thuê đất. Đây sẽ là một chính sách hợp lý để khuyến khích thêm đầu tư, chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp, vực dậy kinh tế Đà Nẵng”, ông Cung góp ý.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, phân tích: Trong lúc thị trường nóng sốt, Đà Nẵng đã kịp thời tăng giá đất. Nhưng khi thị trường trầm lắng, chính quyền TP chưa có động thái điều chỉnh cho phù hợp.
“Đà Nẵng đang có sự sụt giảm kinh tế. Chúng ta thấy rằng, những địa phương có sự hợp lý, uyển chuyển trong tính chi phí, đặc biệt là chi phí đất đai để hỗ trợ doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng kinh tế rất tốt. Ví dụ như TP.HCM, Hà Nội... Mặc dù cùng chịu ảnh hưởng chung của Covid-19 nhưng các địa phương đó vẫn tăng trưởng dương. Đó là do những chính sách tăng trưởng, thu hút, kích thích phát triển của chính quyền địa phương”, ông Đính nói.
Sau hơn 20 năm luôn đạt mức tăng trưởng cao, lần đầu tiên kinh tế TP. Đà Nẵng đã rơi vào tăng trưởng âm đến 9,77%, thu ngân sách chỉ đạt 70%. Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn bị đình trệ và tổn hại nghiêm trọng, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Trong năm 2020, hàng ngàn doanh nghiệp tại Đà Nẵng phải giải thể hoặc hoạt động cầm chừng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chính quyền cần chia sẻ, nâng đỡ doanh nghiệp để cùng vượt qua đại dịch Covid-19. Riêng Đà Nẵng, mũi nhọn kinh tế của địa phương này là du lịch, thì trước tiên phải hỗ trợ, giảm chi phí đất đai và các chi phí khác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ. Tới đây, khi cộng đồng tiếp cận được vaccine, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, du lịch được dự báo là ngành kinh tế có thể hồi phục nhanh nhất.
Do đó, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cũng chính là giúp kinh tế Đà Nẵng sớm tăng trưởng trở lại. Bởi, nếu chỉ dựa trên quan điểm tăng giá đất để tận thu sẽ khiến nhà đầu tư đi tìm cơ hội khác và địa phương không thể có nguồn thu bền vững.
H.Nam