Gần 1.000 doanh nghiệp bất động sản giải thể
Bộ Xây dựng cho biết, trong Quý IV/2020, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại.
Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
Trong năm 2020, có 978 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Ảnh minh họa.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động bàn giao sản phẩm, chuyển nhượng cổ phần dự án, thanh lý tài sản cùng sự trỗi dậy bất động sản công nghiệp giúp một loạt doanh nghiệp bất động sản có thể ghi nhận lợi nhuận tốt hơn trong quý IV/2020...
Thống kê gần 80 doanh nghiệp bất động sản lớn đang giao dịch cổ phiếu trên sàn cho thấy, với số liệu kinh doanh khả quan các tháng cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp báo cáo hoặc dự kiến đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra cho năm 2020.
Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản cả nước trong Quý IV/2020 đã tăng mạnh so với đáy suy giảm nhờ sự phục hồi nhanh của phân khúc nhà ở và khu công nghiệp qua đó giúp ngành vẫn duy trì được tăng trưởng dương cả năm 2020, trong bối toàn nền kinh tế chịu tổn thương của dịch COVID – 19. Ngành kinh doanh bất động sản đã đóng góp khoảng 4,42% GDP.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong năm 2020, ngành bất động sản cũng có sự thanh lọc, với việc nâng cao năng lực và tăng khả năng thích nghi của các doanh nghiệp tham gia thị trường; số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 kinh doanh bất động sản 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5% so với năm 2019; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể 978 doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay mua nhà giảm sâu
Về tín dụng ngân hàng cho vay bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, theo thống kê vẫn tăng trưởng trong quý IV/2020 cho thấy thị trường vẫn tăng trưởng và không có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư đột biến khác.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề xuất lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung dài hạn được quy định tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019 về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng.
Theo đó, từ đầu 2020 đến hết 30/9/2020, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% trước đó xuống mức 40%. Thực tế, quy định mới về việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhu cầu tín dụng nói chung suy giảm do dịch COVID-19, nhưng tín dụng bất động sản vẫn giữ được sự tăng trưởng.
Dẫn số liệu khảo sát một số ngân hàng, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều ngân hàng cũng hạ lãi suất cho vay mua nhà.
Như tại VPBank từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên; BIDV từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên; Vietcombank từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu. Thậm chí, mức lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm (mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên; những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu).
“Nhìn chung, so với thời điểm cuối 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn và theo các chuyên gia ngân hàng thì thời điểm hiện nay đang có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây” – Bộ Xây dựng thông tin.
Cũng theo Bộ Xây dựng, ngoài việc nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, thị trường bất động sản trong năm 2020 vẫn có sự thu hút các nguồn vốn khác như vốn đầu tư cá nhân, kiều hối gửi về và vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết và vốn FDI.