Bắt đầu từ đầu tuần trước, các cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng bùng lên khắp nước Mỹ sau cái chết của Floyd. Tuy nhiên, nhiều cuộc tuần hành hòa bình đã hóa thành bạo lực, dẫn tới cảnh tượng đập phá, hôi của ở nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ. Tính tới 2h25 sáng 3/6 theo giờ New York, Mỹ đã bắt ít nhất 9.300 người liên quan tới các hoạt động này.
Hình ảnh về vụ bắt giữ dẫn tới cái chết của George Floyd là giọt nước tràn ly khiến đông đảo người dân Mỹ tràn xuống đường. Bất chấp lệnh giới nghiêm, hàng chục nghìn người vẫn tràn xuống các tuyến phố trên khắp nước Mỹ. Đi cùng với đó là tình trạng đập phá và hôi của.
Các cuộc biểu tình ôn hòa chủ yếu diễn ra vào ban ngày. Khi màn đêm buông xuống, đám đông thường chuyển sang bạo loạn, đốt phá và hôi của. Thậm chí, cảnh sát còn trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ quá khích. Rất nhiều xe cảnh sát đã bị đập phá và đốt cháy trong hơn 1 tuần qua.
Cảnh sát thường xuyên phải sử dụng lựu đạn khói và hơi cay để giải tán đám đông. Nhiều vụ bắt giữ cũng đã được tiến hành. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đe dọa sử dụng quân đội để ngăn chặn những đám đông mà ông gọi là "vô pháp" và "côn đồ".
Tuy nhiên, 55% số người Mỹ cho biết họ không tán thành việc xử lý biểu tình của ông Trump, bao gồm 40% số người phản đối kịch liệt. Chỉ 1/3 số người được hỏi chấp thuận các làm của ông Trump.
Hiện tại, khoảng 1.600 binh sĩ đã được điều động tới vùng thủ đô Washington trong bối cảnh biểu tình và bạo lực diễn ra triền miên. Theo Lầu Năm Góc, những quân nhân này đã sẵn sàng thực thi nhiệm vụ dù chưa có mặt ở thủ đô. Họ sẽ không tham gia vào việc của chính quyền địa phương mà sẽ chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ những địa điểm quan trọng.
Trước đó, lực lượng thực thi pháp luật đã phải dùng lựu đạn khói và bình xịt hơi cay để chống lại những người biểu tình tại Quảng trường Lafayette ở Washington, D.C. Theo các phóng viên hiện trường, một số người biểu tình ném chai nước và lắc hàng rào ngăn cách họ với lực lượng an ninh bất chấp số khác la hét đề nghị dừng lại. Một số người biểu tình còn sử dụng pháo hoa.
Một hàng rào được dựng lên xung quanh công viên hôm 2/6, mở rộng khu vực bảo vệ xung quanh Nhà Trắng. Một ngày trước đó, cơ quan thực thi pháp luật liên bang đã giảm tán đám đông người biểu tình ôn hòa vài phút trước khi ông Trump đi qua khu vực để đến thăm nhà thờ bị phá hoại bởi những kẻ quá khích.
Không chỉ ở Mỹ, đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình đòi bình đẳng cũng xảy ra ở Paris, thủ đô nước Pháp. Cộng hưởng cuộc biểu tình ở Mỹ, những nhà hoạt động dân chủ ở Pháp tổ chức biểu tình nhằm tìm kiếm công lý cho một thanh niên 24 tuổi, chết khi bị giam giữ năm 2016. Căng thẳng ở Pháp được đánh giá là nghiêm trọng khi những cư dân nhập cư ở Paris cũng chính là những người gánh thiệt hại nặng nề nhất mà đại dịch Covid-19 để lại.