Bản tin thời sự VTV tối 4/4 đưa tin, sau hơn 2 tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01, các ngân hàng thương mại đã giải ngân khoảng 100.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bới Coivd-19.
Cho đến nay, đã có 12.000 doanh nghiệp, tương ứng với 13.500 tỷ đồng được giữ nguyên nhóm nợ. Trong khi đó, 36.000 doanh nghiệp được giảm, miễn lãi vay với 91.000 tỷ đồng.
Như vậy, gần một nửa số tiền trong gói tín dụng hỗ trợ của ngành ngân hàng đã đến tay các doanh nghiệp.
Trước đó, hồi đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có nhiều ngân hàng đăng ký các gói tín dụng hỗ trợ với tổng dư nợ lên đến 285.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế còn cho biết, gói hỗ trợ này còn có thể lớn hơn trong thời gian tới do tác động của dịch bệnh lên hoạt động kinh doanh của nền kinh tế.
Mới đây, tại cuộc họp giữa NHNN và các ngân hàng thương mại chiều 31/3, đã có 20 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) đồng thuận rất cao là giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch bệnh. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đây có thể nói là đợt giảm lãi suất "sâu" nhất kể từ khủng hoảng năm 2009. Điều này cho thấy quyết tâm rất cao của Ngân hàng Nhà nước và cố gắng lớn của các ngân hàng.
Đến nay, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, ACB, VPBank, VIB, SHB, HDBank, TPBank, Kienlongbank,…đã có công bố chính thức các chương trình, gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất thấp. Trong đó, nhiều ngân hàng giảm dư nợ cho vay hiện hữu, có ngân hàng giảm lãi suất tới 4,5%/năm,...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, gói tín dụng 285.000 tỷ đồng không phải từ nguồn ngân sách mà từ nguồn vốn huy động tại các ngân hàng thương mại, cho thấy sự hy sinh không nhỏ của ngành ngân hàng. Được biết, để tập trung giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã chấp nhận giảm lợi nhuận, cơ cấu chi phí hoạt động, thậm chí phải giảm lương thưởng.