Sau 4 tiếng liên tục kiểm tra, Thủ tướng đánh giá việc chống dịch ở một số nơi vẫn còn nhiều sơ hở, chủ quan, thiếu mục tiêu cụ thể rõ ràng, khiến cho dịch bệnh lai rai và kéo dài. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra các điểm yếu trong công tác phòng chống dịch mà các địa phương này cần phải rút kinh nghiệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh chụp màn hình từ VTV1
Thủ tướng đã trao đổi trực tuyến với lãnh đạo 6 phường xã: Phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá; Xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang; Xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; Xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang; Phường An Hòa, thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp và thị trấn Long Bình, huyện An Phú của tỉnh An Giang.
Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các địa phương này đều đang thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7. Tuy nhiên, công tác chống dịch vẫn còn nhiều sơ hở từ cấp tỉnh, huyện, xã. Việc thực hiện xét nghiệm, trả kết quả còn chậm và chưa theo hướng dẫn, chưa triển khai xây dựng trạm y tế lưu động tại các khu vực có ca mắc cao.
Nhiều nơi số ca trong cộng đồng vẫn tăng lên, như thị trấn Long Bình của huyện An Phú, tỉnh An Giang ngày 14/9 đã phát hiện tới 32 ca trong cộng đồng. Nhận định tình hình tại An Phú đang rất nguy hiểm, Thủ tướng đã điện thoại chỉ đạo trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, yêu cầu dồn toàn lực tập trung kiểm soát dịch tại huyện này. Sau đó, 11h đêm, Thủ tướng kết nối trực tuyến với lãnh đạo Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch của huyện An Phú.
"Cái huyện đỏ quạch như thế này rồi, mà vẫn không triển khai trạm xá lưu động là như thế nào? Vì vậy, bây giờ phải tập trung làm mấy việc. Thứ nhất, sơ tán dân ra khỏi khu vực này. Vì hiện đang đông dân, sẽ lây tiếp rất nhanh". Lúc Thủ tướng gọi, đồng hồ đã chỉ gần 11h30 đêm 14/9.
Thủ tướng nói thêm: "Tập trung toàn lực để xét nghiệm trong vòng 1 tuần và phải ít nhất là 3 lần. Nếu như âm tính thì đưa ra các trường học để sơ tán, ai dương tính thì đưa đi chăm sóc, điều trị và làm sạch khu vực để đưa dân trở lại trong tuần này. Thứ 3, triển khai các trạm xá lưu động. Quan trọng nhất của trạm xá lưu động là phải đầy đủ oxy, thuốc men để người dân được tiếp cận nhanh nhất".
Thủ tướng chỉ ra 3 điểm yếu các địa phương này cần rút kinh nghiệm đó là: Thực hiện giãn cách nhưng không có mục tiêu; giãn cách nhưng thực hiện biện pháp y tế không đúng và giãn cách nhưng thực hiện không nghiêm các chỉ đạo trong các công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế ngay trong sáng 15/9 phải có công điện gửi tất cả các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 về việc: thực hiện giãn cách phải có mục tiêu cụ thể, rõ ràng và phải đạt được mục tiêu; Thực hiện xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ dân khu vực giãn cách, 2 ngày/lần; xét nghiệm ít nhất 3 lần; và chuẩn bị sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn.