Báo cáo nền kinh tế số được phát hành bởi Goolge, Temasek và Bain & Company mới đây cho thấy giá trị các thương vụ đầu tư vào lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam tăng vọt đạt mức 1,368 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Con số này tăng gấp 3,75 lần cùng kỳ và vượt mức cả năm của tất cả các năm trước đó. Số lượng thương vụ được thống kê đạt 89, bao gồm vốn đầu tư mạo hiểm, vốn cổ phần tư nhân và đầu tư chiến lược.
Theo báo cáo, Việt Nam tiếp tục được duy trì là khu vực đổi mới hấp dẫn với nhiều vườn ươm và các trung tâm đổi mới sáng tạo hơn khác thị trường khác trong khu vực. Bất chấp sự không chắc chắn của thị trường, vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục đổ vào Việt Nam nhờ nền tảng cơ bản tăng trưởng mạnh mẽ cùng hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển. Sự khao khát của giới đầu tư vẫn mạnh mẽ vào các dịch vụ kỹ thuật số hưởng lợi từ đại dịch COVID-19, như thương mại điện tử, fintech, healthcare và edtech.
Năm 2021, nền kinh tế internet của Việt Nam được ước tính đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng trưởng 31% so với năm trước đó. Nhìn vào năm 2025, ước tính tổng thể nền kinh tế internet của Việt Nam có thể đạt mức 57 tỷ USD, tăng trưởng kép 29% mỗi năm.
Năm vừa rồi chứng kiến hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế internet tiếp tục tăng trưởng, ngoại trừ mảng du lịch trực tuyến.
Cụ thể, mảng du lịch trực tuyến sụt giảm 45% xuống còn 1,4 tỷ USD. Trong khi đó, thương mại điện tử tăng 53% đạt mức 13 tỷ USD; giao thông và giao thực phẩm tăng trưởng 35% đạt mức 2,4 tỷ USD và truyền thông số tăng 30% đạt mức 3,9 tỷ USD.
Một số thông tin trong báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company về nền kinh tế internet Việt Nam gồm có:
- Việt Nam có thêm 8 triệu người dùng kỹ thuật số mới kể từ thời điểm bắt đầu diễn ra đại dịch (tính đến hết nửa đầu năm 2021), 55% trong số đó đến từ khu vực không phải các thành phố lớn. Mức độ chấp nhận cao khi 97% người dùng mới vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ, 99% nói sẽ sử dụng trong tương lai. Những người đã sử dụng dịch vụ số trước đó đã sử dụng thêm 4 dịch vụ mới kể từ khi đại dịch diễn ra.
- Tại Việt Nam, 30% nhà bán hàng tin tưởng rằng họ sẽ không thể vượt qua đại dịch nếu không có sự hỗ trợ của các nền tảng số. Khoảng 99% nhà bán hàng hiện nay chấp nhận thanh toán trực tuyến, 72% chấp nhận các giải pháp cho vay số, và 72% tin tưởng vào sự gia tăng của các công cụ marketing số trong vòng 5 năm tới.