Sau 450 triệu năm tồn tại trên trái đất, sam, loài vật cuối cùng trong bộ đuôi kiếm Xiphosurida, đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng bởi sự quý hiếm nằm trong máu của chúng. Trong vài thập kỷ qua, con người đã đánh bắt triệt để loài sinh vật này để lấy máu, gây ra mối đe dọa chưa từng cho với chúng trong gần nửa tỷ năm qua.
Vào những năm 1960, các nhà khoa học phát hiện ra rằng máu của loài sam có thể được dùng để phát hiện ngay cả những lượng vi khuẩn có hại nhỏ nhất. Kể từ đó, ngành công nghiệp dược phẩm đã sử dụng máu của động vật này để đảm bảo kim tiêm, vắc xin hay các ca cấy ghép không bị nhiễm khuẩn.
Cũng bởi lý do đó, mỗi năm, dọc theo bờ Đông nước Mỹ, 500.000 con sam được đánh bắt, làm sạch, đo đạc rồi rút đi một phần ba số máu màu xanh da trời của nó. Quá trình này diễn ra trên khắp các bờ biển miền đông của Mexico và ở Trung Quốc. Nhu cầu về máu sam quá cao khiến nó được gọi là vàng xanh, có giá tới 60.000 USD/1 gallon.
Những con sam được thả trở lại biển ngay sau khi rút máu. Tuy nhiên, theo ước tính, 15% số sam chết do quá trình này. Tuy nhiên, ngay cả khi sam được thả về biển sau khi rút máu và con sống, không ai thực sự xác định được cơ hội tồn tại của chúng là bao nhiêu. Kết hợp với các hoạt động đánh bắt khác và sự ô nhiễm môi trường sống, mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu, người ta ước tính số lượng sam đã giảm 80% trong vòng 40 năm.
Có một cách để giúp sinh vật 450 triệu năm tuổi này được tiếp tục tồn tại và ngăn chặn những hành động giống như mà cà rồng mà con người đang làm. Gần 2 thập kỷ trước, một giáo sư của Đại học Quốc gia Singapore đã tạo ra một hợp chất có hiệu quả hơn máu của con sam và đảm bảo chúng có thể được đưa vào phổ dụng. Quan trọng hơn, giá thành của chúng còn rẻ hơn máu sam.
Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp dược phẩm vẫn tiếp tục chọn cách hút máu loài sinh vật cổ đại còn sống sót tới ngày nay. Con người đang đối xử với loài vật được coi là ân nhân cứu mạng của mình theo cách không thể tồi tệ hơn.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều hoạt động bảo tồn loài sinh vật này đã được tiến hành để giúp chúng tiếp tục tồn tại. Năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa loài sam vào sách đỏ để bảo tồn. Đây là bước đi được coi là có ý nghĩa nhằm bảo vệ loài sinh vật này. Tuy nhiên, tiếp tục dùng máu sam để phục vụ y tế không phải là cách bền vững cho loài sinh vật cổ đại này.