MAUR đã phối hợp các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và đã bàn giao mặt bằng phần đường, vỉa hè đường Lê lợi (đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur); ga Ba Son và khu vực hầm đào hở thuộc gói thầu CP 1b. Hai đoàn tàu số 2 và số 3 cũng vừa được nhập khẩu từ Nhật Bản và đưa về depot Long Bình chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thử nghiệm.
Theo đại diện MAUR, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại cho dự án. MAUR và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thống nhất các nội dung trong thỏa thuận vay lần thứ 4 và xúc tiến thực hiện các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, đến nay, TPHCM vẫn chưa thể giải ngân vốn ODA cấp phát được bố trí cho dự án là gần 2.500 tỷ đồng do chưa xác định được vốn ODA cấp phát còn lại cho dự án.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tiến độ thực hiện dự án do nhiều nguyên nhân, vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Các gói thầu đang triển khai thi công tuy thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng), nhưng việc cung cấp các thông số giao diện và phạm vi công việc của các gói thầu chưa được cụ thể ngay từ giai đoạn lập hồ sơ mời thầu nên làm ảnh hưởng đến công tác thiết kế của gói thầu số 3 cũng như tiến độ các gói thầu khác. Điều đáng nói, dự án vẫn còn vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật còn sót lại và nhà dân dọc 9 cầu bộ hành các nhà ga trên cao, sắp tới cần phải di dời nên sẽ phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu.
“MAUR đã kiến nghị UBND TPHCM xem xét, xét, có ý kiến chỉ đạo về thiết kế, xây dựng cầu bộ hành. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Hội đồng thẩm định sớm trình UBND TPHCM phê duyệt điều chinh dự án để xác định giá trị ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương”, đại diện MAUR cho hay.
Tuyến metro số 1 dài hơn 19 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2022 với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 17.000 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 47.000 tỷ đồng, trong đó hơn 41.800 tỷ đồng là vốn vay ODA, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách.
Theo giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, trong năm 2021, TPHCM đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và thu hút các nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, tính đến hết ngày 21/5, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công của TPHCM đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước là gần 6.841 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 19,1% tổng kế hoạch vốn do UBND TP giao (35.749,218 tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (giải ngân 5.296 tỷ đồng, đạt 15,6%).