Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong đó triển khai một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng lãi suất thấp.
Thực hiện chủ trưởng của Chính phủ, các ngân hàng đã đăng ký gói chương trình tín dụng 285.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ngân hàng tung vốn lãi suất thấp
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết, BIDV đã công bố gói hỗ trợ tín dụng với quy mô 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên trước mắt mới chỉ triển khai 28.000 tỷ.
Với gói cho vay này, BIDV sẽ giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm bằng VND và 0,5%/năm bằng USD so với lãi cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng.
Chia sẻ thêm về tác động của Covid-19, ông Lê Ngọc Lâm, Phụ trách Ban điều hành BIDV, cho hay đến thời điểm này rất khó có con số chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đâu. Các ngân hàng vẫn đang trong quá trình rà soát, thống kê. Tại BIDV, thống kê theo các ngành có khả năng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 khoảng 140.000 tỷ đồng.
Một "ông lớn" khác là Vietinbank cũng bước đầu đánh giá, tổng dư nợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 104.970 tỷ đồng chiếm 11,4% tổng dư nợ toàn ngân hàng. Hiện Vietinbank đang xem xét cơ cấu lại gần 20.000 tỷ đồng tiền nợ và miễn giảm hơn 26.800 tỷ lãi vay cho các khách hàng.
Vietinbank cũng dự tính dành 15.000 tỷ đồng và 150 triệu USD để cho vay ngắn hạn với lãi suất 5% bằng VND và 2,8% bằng USD.
Ngoài ra, đến hết 30/6, tùy theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới doanh nghiệp, ngân hàng sẽ giảm trừ lãi suất 1,25-3%/năm so với lãi cho vay thông thường (trong thời gian tối đa 6 tháng).
KienLongBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3% một năm với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài... đã nhận cấp vốn tín dụng thời gian qua...
ACB mới tung ra gói tín dụng ưu đãi quy mô 25.000 tỷ đồng từ nay đến 30/6 để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và 12.000 tỷ đồng cho khách hàng DN nhỏ và vừa (SME).
Với khách hàng là cá nhân, lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm cho các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8,5%/năm cho các khoản vay trung - dài hạn. Các khoản vay bổ sung vốn ngắn hạn có mức lãi suất vay ngắn hạn từ 6,5%/năm, vay đầu tư mua sắm/sửa chữa máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, văn phòng… lãi suất vay trung - dài hạn từ 8,5%/năm và có thể cố định lãi suất kỳ đầu trong 24 tháng.
Tương tự, Sacombank cũng triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm tới 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất - kinh doanh. Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho DN nhỏ và vừa vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm, đồng thời sẽ triển khai gói tín dụng khoảng 3.000 tỷ đồng lãi suất từ 5,5%/năm cho DN lớn.
Nam A Bank triển khai chương trình ưu đãi lãi vay với mức giảm lãi suất 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với VND và USD.
"Rộng cửa" hạ mặt bằng lãi suất vì Covid-19
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị ngừng trệ, thậm chí dừng hẳn trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vì vậy nhu cầu vay vốn trên thị trường không nhiều. Dẫn tới sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Điển hình như trong 2 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,06%, giảm so với mức tăng 1% cùng kỳ năm trước.
Ông Hiếu phân tích, hiện tại thị trường tài chính thế giới đang chao đảo, chỉ số chứng khoán của Mỹ đã xuống một mức thấp thảm hại vì tác động của dịch Covid-19, giá dầu cũng sụt giảm nhanh chóng, tức là nền kinh tế toàn cầu đang vào ngưỡng của sự suy thoái.
"Nền kinh tế của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn từ Covid-19, đặc biệt là các ngành nghề như giao thông, khách sạn, nhà hàng, tiêu dùng, nông sản…khiến cho nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp xuống thấp", ông Hiếu phân tích.
Hiện có hai hiện tượng đi ngược chiều nhau về tín dụng. Luồng doanh nghiệp thứ nhất, là các doanh nghiệp vẫn đang "trụ được" nhưng nhu cầu vay vốn giảm đi để tiết kiệm chi phí lãi vay. Hay như các doanh nghiệp đang có những dự án lớn cũng tạm thời "ngưng lại" trong giai đoạn khó khăn này. Bởi doanh nghiệp lo sợ doanh thu không đủ bù đắp chi phí, hoạt động không mang lại hiệu quả.
Luồng doanh nghiệp thứ hai có nhu cầu vay vốn lớn đó là những doanh nghiệp đang rất khó khăn. Đơn cử như các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch… Theo tìm hiểu thực tế, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng có doanh thu giảm quá nửa, thậm chí chỉ còn 20%- 30%. Với những doanh nghiệp này, họ chỉ trụ được trong vòng một vài tháng nữa, nên rất cần vay vốn. Tuy nhiên, nếu lãi suất cho vay giảm chưa đủ sâu thì doanh nghiệp cũng "bó tay", có vay cũng không thể vượt qua được khó khăn hiện nay.
Ông Hiếu cho rằng, đến một thời điểm thích hợp, các ngân hàng sẽ phải tự động phải tiếp tục cắt giảm lãi suất để cho vay ra khi nhu cầu tín dụng đang yếu như hiện nay. Nếu lãi vay giảm đủ "sâu", không chỉ nhóm doanh nghiệp thứ hai mà ngay cả nhóm doanh nghiệp thứ nhất cũng sẽ tích cực tìm đến nguồn tín dụng hỗ trợ của ngân hàng để hồi phục và phát triển sản xuất.
Cũng theo vị chuyên gia này, khi lãi suất cho vay ra giảm thì buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động.
Trong bối cảnh hiện nay, người gửi tiền cũng sẽ không còn lựa chọn nào khác bởi vì tất cả các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vàng… đều đang rất rủi ro. "Người dân sẽ chạy vào kênh an toàn là ngân hàng và sẵn sàng chấp nhận một lãi suất thấp", ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo báo cáo của BVSC, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm nhẹ trong tháng 2. Lãi của nhóm 4 ngân hàng có vốn Nhà nước giảm khoảng 0,1%, nhóm ngân hàng thương mại vốn trên 5.000 tỷ giảm 0,07%, nhóm ngân hàng thương mại vốn dưới 5.000 tỷ giảm 0,01%.
Theo nhìn nhận của chứng khoán MBKE, thanh khoản hiện đang dư thừa, hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn sẽ giúp giảm mức độ cạnh tranh về tăng huy động giữa các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ; do đó sẽ góp phần ổn định, thậm chí có thể giảm lãi suất tiền gửi, mở ra lộ trình cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
Tính tới 6h ngày 10/3, dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã tấn công 112 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hiện có 114.276 người đã nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) và 4.009 người tử vong. Số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục tăng cao tại Italy, Iran, Pháp, Tây Ban Nha trong khi dịch đang dịu đi tại Hàn Quốc và đã được kiểm soát tại Trung Quốc.
Tại Việt Nam, đã phát hiện bệnh nhân dương tính với Covid-19 thứ 31 người Anh, là hành khách đi chuyến bay VN0054.