Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam - cho biết, cơ quan này vừa cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhóm họp về tình hình LĐ bị giảm, mất việc làm cuối năm.
Theo ông Văn Anh, do khó khăn về thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bị cắt giảm, thiếu đơn hàng. Dẫn tới nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cắt giảm LĐ. Dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài tới giữa năm tới. Do đó, các Bộ, ngành đang nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp, gói tài chính hỗ trợ người LĐ và doanh nghiệp, đặc biệt dịp Tết sắp tới gần.
Có gần nửa triệu người lao động trên cả nước bị giảm giờ làm, mất việc do doanh nghiệp thiếu đơn hàng (ảnh minh họa).
Số liệu của Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành bị thiếu đơn hàng phải cắt giảm giờ làm và LĐ, đa số là doanh nghiệp dân doanh và có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tổng số LĐ trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm hơn 470.000 LĐ, trong đó LĐ làm trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới gần 75%. Chủ yếu thuộc các ngành nghề: Da giầy (hơn 36% tổng số LĐ bị ảnh hưởng), dệt may (gần 28%), chế biến gỗ (hơn 13%), điện tử (hơn 4%).
Trong số LĐ bị giảm giờ làm, phải nghỉ việc, có hơn 30.000 LĐ nữ trên 35 tuổi, và hơn 9.400 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ (dưới 12 tháng).
Trong tổng số gần nửa triệu LĐ bị ảnh hưởng việc làm, có hơn 41.500 người phải thôi việc, mất việc (chiếm gần 9%), số còn lại bị giảm giờ làm (giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng).
Đặc biệt, có 30 doanh nghiệp đang nợ lương của gần 7.000 người LĐ, với tổng số tiền nợ hơn 110 tỷ đồng; hơn 120 doanh nghiệp nợ BHXH của trên 32.300 lao động, với tổng tiền nợ gần 240 tỷ đồng.
Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn của người LĐ, lương, thưởng; đối thoại với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi người LĐ.