Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam bổ sung Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ. Đồng thời, bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Sơn khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư nhà máy liên hiệp sản xuất gang thép Long Sơn và cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ.
Dự án cảng biển tổng hợp quốc tế Long Sơn sẽ khai phá được điều kiện tự nhiên khu vực biển xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ với khu vực nước sâu, nền đất trên cạn ổn định. Hiện tại, hệ thống cảng biển hiện nay của tỉnh Bình Định vẫn chỉ tiếp nhận được tàu có trọng tải lên đến 50.000 tấn.
Dự kiến, dự án Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn tại Phù Mỹ có diện tích khoảng 343 ha, trong đó 140 ha mặt nước, xây dựng 14 bến cảng từ 50.000 - 250 nghìn tấn.
Hàng năm, Cảng đáp ứng nhu cầu bốc xếp 29,5 triệu tấn hàng hóa tổng hợp/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.890 tỷ đồng.
Liên quan đến phát triển các dự án cảng biển, đầu tháng 7/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn của Công ty Cổ phần cảng Quy Nhơn.
Theo đó, bến số 1 sẽ được mở rộng ra phía khu nước trước bến hiện tại thêm 35 m. Tổng chiều dài bến sau khi nâng cấp là 480 m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu tổng hợp, container 30.000 DWT đầy tải. Kết cấu bến cũng được tính toán thiết kế đảm bảo neo cập cho tàu tổng hợp, container 50.000 DWT đầy tải trong giai đoạn sau. Dự án có vốn đầu tư gần 510 tỷ đồng, theo kế hoạch khởi công vào quý 3/2021, hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2022.
Cảng Quy Nhơn được biết đến như một cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối của nhóm Cảng biển Nam Trung bộ, với lượng hàng hóa thông quan ngày càng tăng cao, sản lượng hơn 10 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, phần lớn lượng hàng hóa xuất nhập khẩu được kết nối từ Tây Nguyên và vùng tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia. Với hàng loạt các giải pháp thúc đẩy thị trường trong thời gian qua, Cảng Quy Nhơn đã xác lập kỷ lục mới với tấn hàng thứ 11 triệu vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, điều chỉnh đưa cảng Đề Gi và cảng Tam Quan ra khỏi Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do cửa biển Đề Gi và Tam Quan luôn bị bồi lắng hàng năm, mực nước rất thấp, luồng tàu ra vào rất hẹp, phù hợp làm khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng kết hợp cảng cá Đề Gi và Tam Quan.
Bình Định có chiều dài bờ biển 134 km với nhiều đảo, vũng, vịnh và các cửa biển lớn. Bình Định có hệ thống cảng nước sâu lớn, một trong những tỉnh có thế mạnh về cảng biển với các cảng như: Cảng Quy Nhơn, Tân Cảng, Cảng Tam Quan, Cảng Thị Nại và Cảng Đề Gi. Chính vì vậy, kinh tế cảng biển là động lực phát triển quan trọng của Bình Định.