Cổ phiếu SPP bị hủy niêm yết trên HNX
Sở GDCK Hà Nội vừa thông báo về việc hủy niêm yết cổ phiếu. Theo đó toàn bộ 25,12 triệu cổ phiếu SPP của CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX từ 22/5/2020. Cổ phiếu SPP sẽ giao dịch trên HNX phiên cuối cùng vào 21/5/2020.
Lý do hủy niêm yết do CTCP Bao bì Nhựa sài Gòn có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp tại BCTC kiểm toán năm 2019, thuộc diện bị hủy niêm yết theo quy định.
Giải trình nguyên nhân bị hủy niêm yết
Trước đó, giải trình về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ phiếu bị hủy niêm yết, phía công ty đã có văn bản giải trình. Theo đó, năm 2019 Bao bì nhựa Sài Gòn có kế hoạch mở rộng dự án SXKD là dự án Nhà máy Saplastic tại long An với tổng đầu tư 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên do sự thay đổi từ phía ngân hàng và nhà đầu tư dẫn đến kế hoạch không thực hiện được. Cụ thể, theo SPP, phía ngân hàng BIDV đã không phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu cho SPP để thực hiện dự án như kế hoạch, dẫn đến nhà đầu tư Nhật Bản Mitsui cũng không đồng ý tiếp tục dự kiến mua cổ phần chi phối và góp vốn 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó BIDV còn yêu cầu SPP có lộ trình giảm vốn đang vay từ 450 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng.
Khó khăn về tài chính khiến công ty phải huy động hết nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện hợp đồng với KCN Tân Đô, dẫn đến không có nguồn tài chính để phục vụ hoạt động SXKD, thanh toán các khoản nợ đến hạn, các khoản lãi ngân hàng và để tái đầu tư phục vụ SXKD.
Bên cạnh đó SPP còn giải trình, do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khiến toàn bộ các nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc bị tạm ngừng nhập khẩu, công ty không có nguồn nguyên liệu dẫn đến không sản xuất được các đơn đặt hàng từ trước.
Ngày 26/11/2019 Tòa án TP HCM đã ra quyết định mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của CTCP SXTM Tân Việt Sinh đối với công ty, và hiện tại SPP đang trong quá trình thực hiện các thủ tục theo quyết định của Tòa án và công ty quản lý và thanh lý tài sản Sen Việt.
Tất cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên dẫn đến tình hình SXKD của công ty khó khăn, tổng lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.
SPP cũng gửi phương án phục hồi sản xuất, trong đó nêu rõ công ty đang cố gắng thuyết phục và chờ đợi nhà đầu tư là Tập đoàn PHI Group để đẩy nhanh tiến độ và lộ trình hợp tác của hai bên. Tuy vậy do tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp nên sự hợp tác đang tạm thời bị gián đoạn. Dự kiến PHI Group sẽ tiếp tục lộ trình góp vốn giai đoạn 1 khi tình hình dịch bệnh được cải thiện và các chính sách mở cửa kinh tế được trở lại bình thường.
Lỗ lũy kế hơn 690 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh, năm 2019 SPP đạt hơn 255 tỷ đồng doanh thu, chưa bằng 1/4 cùng kỳ. Trong khi đó giá vốn đội lên đến 624 tỷ đồng nên SPP đã lỗ thuần 369 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Thêm các khoản chi phí, đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp 325 tỷ đồng, nên SPP ghi nhận lỗ 720 tỷ đồng trong năm 2019.
Tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2019 lên đến 690 tỷ đồng. Âm vốn chủ sở hữu 438 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu 251,1 tỷ đồng.
Kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ
Kiểm toán cũng đưa ý kiến ngoại trừ. Cơ sở đưa ý kiến ngoại trừ là các khoản vay và nợ thuê tài chính với tổng số dư hơn 707 tỷ đồng công ty chưa hạch toán đủ chi phí lãi vay phải trả năm 2019 vào kết quả kinh doanh.
Ngoài ra còn có vẫn đề nhấn mạnh về việc tính đến 31/12/2019 nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản với số tiền 618 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của công ty là 690 tỷ đồng và âm vốn chủ 438 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 sụt giảm mạnh, khả năng hoạt động của công ty phụ thuộc vào khả năng sinh lời trong tương lai và tiếp tục đầu tư vốn chủ sở hữu...
Thanh khoản cổ phiếu SPP vẫn khá lớn
Về diễn biến giá cổ phiếu, hiện trên thị trường SPP đang giao dịch quanh mức 500 đồng/cổ phiếu. Và với thị giá thấp này, nhiều phiên giao dịch gần đây SPP liên tục có những phiên tăng trần/giảm sàn.
Tuy vậy điểm đáng chú ý, là thanh khoản cổ phiếu SPP khá cao với hàng trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên trong hơn chục phiên trở lại đây. Điển hình còn có phiên hơn triệu cổ phiếu khớp lệnh.