Theo dữ liệu cập nhật từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 19/08/2022, trong tháng đã có tổng cộng 8 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong với tổng giá trị phát hành 3.810 tỷ đồng.
Hầu hết các đợt phát hành trong tháng 8 đều đến từ nhóm Ngân hàng với giá trị 2.510 tỷ đồng. Trong đó nổi bật nhất là Vietcombank, phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm, lãi suất thả nổi theo bình quân lãi suất tiết kiệm cá nhân của nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) cộng thêm biên độ khoảng 0,9%/năm; sau 3 năm tiếp theo là lãi suất tham chiếu với biên độ khoảng 2,57%/năm..
Nguồn VBMA |
Điểm chú ý, nhóm bất động sản dù đứng thứ hai về phát hành như chỉ có duy nhất một doanh nghiệp là CTCP Fuji Nutri Food, phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm.
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.996 tỷ đồng, giảm 6% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành). Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 201.002 tỷ đồng,chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành và giảm 39%.
Dữ liệu cập nhật tới 19/8. Nguồn VBMA |
Ngóng chờ Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi
Sự trầm lắng của thị trường TPDN, đặc biệt là ở nhóm trái phiếu bất động sản đã diễn ra một thời gian, từ sau "cú sốc" về sự kiện trái phiếu của Tân Hoàng Minh hồi tháng 4.
Thống kê cho thấy, sau khi giảm mạnh trong tháng 4 thì khối lượng phát hành tuy đã từng bước tăng trở lại song mức tăng chủ yếu vẫn ở nhóm các tổ chức tín dụng. Nhóm bất động sản tuy vẫn tiếp tục phát hành nhưng khối lượng phát hành đã thấp hơn rất nhiều so với quý 1 hay cùng kỳ năm 2021.
Gần nhất, trong tháng 7 cũng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ là CTCP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An với giá trị phát hành 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.
Nếu so với giá trị phát hành đạt 10.832 nghìn tỷ đồng của tháng 7/2021, giá trị phát hành TPDN riêng lẻ của nhóm bất động sản trong tháng 7 đã giảm tới 98%.
Về tổng thể, quy mô giá trị phát hành TPDN trong tháng 7 tiếp tục sụt giảm mạnh, với giá trị phát hành chỉ ở mức gần 22 nghìn tỷ VNĐ, giảm lần lượt 65% so với cùng kỳ và 48,23% so với tháng trước đó - theo dữ liệu từ FiinRatings.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sự trầm lắng này còn xuất phát từ việc không ít đơn vị phát hành, doanh nghiệp đang trong giai đoạn "ngóng" chờ sự ra đời chính thức của Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi, quy định những điều kiện mới về phát hành, phân phối và mua bán trái phiếu.
Do đó, khi thị trường trái phiếu ổn định hơn, các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ quay trở lại tìm kiếm nguồn vốn dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh dòng tín dụng từ NHTM đang vướng phải câu chuyện hạn mức tín dụng còn chưa được nới lỏng thêm để ứng phó với lạm phát.