Bitcoin là một loại cryptocurrency được tạo ra trên nền tảng blockchain, nhằm phục vụ cho mục đích xác nhận và giao dịch ngang hàng trên toàn thế giới. Công nghệ blockchain cho phép các giao dịch được xác nhận, lưu lại và không thể thay đổi bởi bất kỳ ai, bởi các dữ liệu được mã hóa và phân tán.
Tuy nhiên chính sự ưu việt của công nghệ blockchain đã gây ra một số rắc rối không nhỏ. Chúng ta hãy bắt đầu với câu chuyện của anh chàng có tên Philip Neumeier.
Vào năm 2013, Neumeier đã mua 15 đồng Bitcoin với giá khoảng 260 USD, tổng giá trị đầu tư là 3.900 USD. Tính đến nay, số Bitcoin của Neumeier đã có giá trị lên đến hơn 300.000 USD, khoản đầu tư của anh chàng này có thể đã tăng lên tới gần 115.284 phần trăm.
Ai cũng nghĩ rằng bây giờ Neumeier đang ăn mừng khoản đầu tư của mình trên một chiếc du thuyền, hay đang ở trong một căn biệt thự lộng lẫy. Nhưng không, thay vào đó Neumeier đang lục lọi tất cả các dữ liệu cũ của mình để tìm lại mật khẩu của chiếc ví điện tử chứa 15 Bitcoin mà anh đã mua cách đây 4 năm.
Đó cũng chính là rắc rối của nền tảng blockchain. Tất cả các loại cryptocurrency như Bitcoin hay Ethereum có thể được cất giữ trên nền tảng blockchain nhờ những chiếc ví điện tử. Những chiếc ví này có một địa chỉ duy nhất và một chiếc chìa khóa duy nhất. Thế nhưng địa chỉ và chìa khóa này đều là những dãy số phức tạp khó nhớ.
Một khi đánh mất các thông tin quan trọng này, không có cách nào để bạn có thể lấy lại chiếc ví điện tử của mình và số tiền cryptocurrency bên trong. Bởi blockchain không được quản lý bởi bất kỳ công ty nào, các dữ liệu cũng bị phân tán và không tập trung ở một nơi cụ thể. Do đó mà việc lấy lại thông tin địa chỉ ví và chìa khóa là bất khả thi.
Nghe thì có vẻ đơn giản, khi bạn có một khối tài sản lớn tất nhiên bạn sẽ phải tìm cách để cất giữ chúng thật an toàn và không để mất. Tuy nhiên theo số liệu thống kê của Chainanalysis, có khoảng 23% tổng số tiền cryptocurrency trên thế giới đã bị mất đi, khoảng 3 triệu đồng crypto trị giá hơn 52 tỷ USD.
Nếu như nói là mất đi thì cũng không hoàn toàn chính xác, bởi chúng không hề biến mất và vẫn tồn tại ở đó, trên nền tảng blockchain. Chỉ có điều những chiếc ví lưu trữ chúng đã bị mất thông tin và mãi mãi không thể lấy lại được. Nói một cách khác, một phần tư số crypto trên toàn thế giới đang bị mắc kẹt ở một nơi nào đó trong blockchain và không ai biết đó là đâu.
James Howells đã từng trở thành trung tâm bàn tán của cả thế giới, khi anh này lỡ tay vứt đi chiếc ổ cứng chứa chìa khóa của hơn 7.500 Bitcoin. Anh này sau đó đã phải xin phép Chính quyền thành phố để được phép tìm lại chiếc ổ cứng của mình trong một bãi tập kết rác ở Newport, Wales.
Với blockchain, bạn không thể gọi tới số điện thoại hỗ trợ khách hàng để yêu cầu cấp lại mật khẩu giống như ngân hàng. Chỉ cần một sai sót nhỏ như đánh mất địa chỉ ví, điền thông tin địa chỉ ví sai một ký tự, tất cả đều có thể trả giá bằng toàn bộ tài sản của bạn.
Không phải bỗng nhiên mà cặp tỷ phú song sinh nhà Winklevoss phải in địa chỉ ví lưu trữ Bitcoin và chìa khóa ra, sau đó cắt nhỏ thành nhiều phần và cất giữ các phần khác nhau tại các ngân hàng bảo mật nhất nước Mỹ.
Tất nhiên nếu một ngày đẹp trời, những người bị mất thông tin trên tìm lại được, thì những đồng Bitcoin hay crypto của họ vẫn sẽ còn ở đó. Chúng vẫn tồn tại, chỉ có điều là không ai có thể lấy được nếu không có những đoạn mã thần thánh.
Tham khảo: thenextweb