CTCP Tư vấn và Đầu tư Kinh Bắc vừa thông báo đã bán 3,5 triệu cổ phiếu SQC của CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC). Giao dịch thực hiện vào ngày 22/6/2022, theo đó Kinh Bắc giảm tỷ lệ sở hữu tại SQC từ 6,57% vốn xuống còn 3,31% (tương đương còn nắm gần 3,6 triệu cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn tại đây.
Trên thị trường, giá cổ phiếu SQC có cú lao dốc đột ngột hơn 92% so với đầu năm, từng vùng giá duy trì nhiều năm là 94.000 đồng/cp xuống chỉ còn 7.200 đồng/cp. Cần nhấn mạnh, SQC gần như không có thanh khoản. Vào ngày 19/5/2016, mã SQC cũng bị hủy niêm yết trên HNX do kết quả kinh doanh của Công ty bị lỗ trong 3 năm liên tục (năm 2013, năm 2014, năm 2015) âm.
Với mức giá kết phiên 22/6 là 8.900 đồng/cp, ước tính Kinh Bắc đã thu về hơn 31 tỷ đồng sau đợt thoái vốn trên.
Về SQC, Công ty được thành lập ngày 11/12/2006, ngành nghề kinh doanh chính là khai thác, chế biến, mua bán quặng titan và các sản phẩm hậu titan; gia công chế tạo mua bán máy móc thiết bị và phụ tùng máy khai thác khoáng sản; sản xuất bê tông và các sản phẩm khác từ xi măng...
Sau nhiều lần tăng vốn, SQC hiện có mức vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng, chuyên lĩnh vực khai khoáng. Cổ đông lớn nhất hiện nay là ông Đặng Thành Tâm với sở hữu cá nhân hơn 40% vốn. Trước đó vào năm 2012, ông Tâm đã có đợt bán lượng lớn với 22 triệu cổ phiếu SQC. Ban lãnh đạo hiện hữu gần như sở hữu rất ít cổ phiếu Công ty.
Thành lập với mục tiêu trở thành công ty khai khoáng lớn nhất Việt Nam, thực tế của SQC lại đi ngược hoàn toàn. Kinh doanh gần như không có doanh thu, SQC chục năm nay liên tục thua lỗ. Kết thúc năm 2021, SQC lỗ hơn 1,3 tỷ đồng, qua đó nâng tổng lỗ luỹ kế tính đến ngày 31/12/2021 lên gần 153 tỷ đồng.
Song song, nợ ngắn hạn cũng đã vượt tài sản ngắn hạn. Với những luận điểm này, kiểm toán tại BCTC 2021 cũng nhấn mạnh nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của SQC là 777 tỷ đồng thì có đến 673 tỷ đồng là giá trị thuần của các khoản đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là 22% cổ phần của CTCP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) - doanh nghiệp từng tham gia đầu tư mạng viễn thông S-Fone.