Theo báo cáo mới nhất này, dù đạt được những bước tiến trong quá trình giảm nghèo cùng cực, số người nghèo trên thế giới vẫn cao ở mức không thể chấp nhận được. Gần một nửa dân số thế giới - 3,4 tỉ người, đang sống chỉ với ít hơn 5,5 USD/ngày (khoảng 128.000 đồng) và tỉ lệ người nghèo trong các nền kinh tế giàu có đang ngày càng tăng lên.
WB cho biết từ năm 2013 đến 2015, số người nghèo trên thế giới đã giảm hơn 68 triệu người (tương đương dân số Thái Lan hoặc Anh) dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong khoảng thời gian này. Nghiên cứu cho thấy tình trạng nghèo đói ở ngưỡng 5,5 USD/ngày giảm từ 67% xuống còn 46% từ năm 1990 đến 2015.
TP Los Angeles - Mỹ chứng kiến sự gia tăng của số người nghèo vô gia cư trong vài năm qua Ảnh: AP
Tháng 9-2018, WB báo cáo rằng nghèo cùng cực đã giảm 10% trong năm 2015. Đáng chú ý, tỉ lệ đói nghèo ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã giảm xuống còn 35%. Tuy nhiên, khu vực này có thể không tiếp tục đạt được tốc độ giảm mạnh như trên do tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại.
Cũng theo nghiên cứu, thành quả của phát triển kinh tế không san sẻ đồng đều giữa các quốc gia và khu vực. Đói nghèo "bám trụ" dai dẳng hơn ở khu vực châu Phi hạ Sahara, nơi 84,5 % dân số vẫn sống với ít hơn 5,5 USD/ngày.
Giới chức WB cho rằng xu hướng hiện tại có thể khiến thế giới không thể đạt được mục tiêu giảm nghèo cùng cực xuống ít hơn 3% dân số vào năm 2030. Báo cáo nhấn mạnh: "Những phát hiện đáng lo ngại cho thấy tình trạng đói nghèo cùng cực đang cố thủ ở một số nước và tốc độ giảm đói nghèo sẽ sớm chậm lại đáng kể".