Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ trương không in tiền lẻ mới, siết chặt việc đổi tiền mệnh giá nhỏ trong ngày Tết nên thị trường trao đổi tiền lẻ càng trở nên sôi động khi nguồn cung dần khan hiếm.
Bằng cách nào đó, không ít các cá nhân vẫn có được hàng trăm triệu đồng tiền mới nguyên cọc với các mệnh giá từ 500 đồng đến 50.000 đồng được đổi với mức phí phổ biến từ 10% đến 15%, thậm chí 70% tùy mệnh giá.
Ảnh minh họa.
Chị Trần Thu Hồng, một người có “thâm niên” trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ cho biết, mức phí đổi tiền mới tỷ lệ nghịch với mệnh giá tiền. Cụ thể, tiền mới mệnh giá 500 đồng có phí đổi lên đến 70%, tiền mới mệnh giá 1.000 đồng phí 20%, tiền mới mệnh giá 2.000 đồng phí 10%, 5.000 đồng phí 17%. Trong khi đó, khách đổi tiền mới mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng có mức phí là 15%, nghĩa là để có được 1 triệu đồng tiền mệnh giá 10.000 đồng mới tinh còn nguyên series, khách sẽ phải chi 150.000 đồng tiền phí.
“Hiện nay có rất nhiều người cung cấp dịch vụ này, nhưng không phải ai cũng có sẵn nguồn cung để đổi cho khách nên không có chuyện cạnh tranh nhau về giá. Do vậy mức phí chênh lệch giữa những người đổi tiền là không đáng kể”, chị Trần Thu Hồng nói.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, thị trường mua bán các loại tiền giấy cotton đã dừng lưu hành từ nhiều năm cũng sôi động không kém. Chẳng hạn như tờ 10.000 đồng có màu đỏ dù đã không còn được lưu hành nhưng vẫn được nhiều người săn lùng làm kỷ niệm. Giá bán một tờ tiền này lên đến 60.000 – 70.000 đồng, thậm chí có thể lên đến tiền triệu nếu người bán may mắn sở hữu một tờ có số series đẹp.
Với mức phí đổi tiền mỗi năm một cao, chị Hoài Thương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đã thay đổi dần quan niệm và không còn đổi tiền mới bất chấp như những năm trước.
Ảnh minh họa. |
“Tại sao phải mất quá nhiều chi phí cho việc đổi tiền mới. Nếu mừng tuổi cho trẻ nhỏ hay người già thì cứ mừng tiền cũ cũng vui chứ người nhận đâu quá quan trọng tiền cũ hay tiền mới. Còn nếu đi lễ đầu năm thì thay vì rải tiền lẻ khắp các hòm công đức, hãy bỏ tiền vào duy nhất một chỗ bằng một hay nhiều tờ tiền chẵn có hơn không”, chị Hoài Thương chia sẻ.
Kể từ năm 2013 đến nay, để tiết kiệm ngân sách, NHNN không phát hành tiền lẻ mới (mệnh giá dưới 10.000 đồng) vào dịp tết Nguyên đán. NHNN cam kết vẫn cung ứng tiền lẻ qua lưu thông để phục vụ nền kinh tế. Nếu người dân có tài khoản ở ngân hàng nào thì nên đến đổi tiền mới ở ngân hàng đó để không tốn phí; số tiền đổi được nhiều hay ít phụ thuộc vào từng ngân hàng.
Trên thực tế, hoạt động thu đổi tiền để hưởng chênh lệch là vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 25/2013 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này đã quy định rõ: "Chỉ có Ngân hàng Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước; tổ chức tín dụng; chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài; Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân".
Như vậy, những hành vi hưởng chênh lệch khi đổi tiền sẽ bị xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 88/2019. Theo đó, điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định này quy định: Phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với cá nhân nào có hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt hành chính sẽ bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thậm chí, giao dịch giữa người có nhu cầu đổi tiền và người đổi tiền thường diễn ra trên không gian mạng, giữa những người không quen biết. Đây có thể là mảnh đất màu mỡ để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc của người có nhu cầu, thậm chí kẻ xấu có thể sử dụng tiền giả để lừa đảo người có nhu cầu đổi tiền.