Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan đến dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II Công ty Gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - TISCO) sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Dự án ngàn tỉ "đắp chiếu"
Theo TTCP, vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến chủ đầu tư (TISCO) và nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) thuộc Bộ Công Thương.
Trước đó, vào tháng 2-2017, TTCP đã công bố quyết định thanh tra toàn diện tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II (TISCO) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng chính là một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ của ngành công thương mà Bộ Chính trị chỉ đạo phải khẩn trương xử lý, giải quyết dứt điểm.
Dự án được phê duyệt năm 2005, khởi công rầm rộ vào năm 2007, do nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) đảm nhận thông qua đấu thầu quốc tế. Theo tính toán của TISCO, tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới hơn 9.000 tỉ đồng. Trước đó, theo đề nghị của nhà thầu MCC, dự án đã tăng vốn từ 3.843 tỉ đồng lên 8.014 tỉ đồng. Dự án dự kiến đi vào sản xuất từ tháng 5-2011 nhưng đến nay vẫn "giẫm chân tại chỗ".
Để thực hiện dự án, tháng 7-2007, TISCO và nhà thầu MCC đã ký hợp đồng EPC (thiết kế - E; cung cấp thiết bị - P; xây dựng và lắp đặt - C) với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD (tương đương 2.587 tỉ đồng); thời gian thực hiện 30 tháng. Do gặp vướng mắc trong quá trình thi công, giá cả vật tư tăng cao nên tháng 3-2009, MCC đề nghị cho tách phần xây dựng và lắp đặt (C) giao lại cho nhà thầu Việt Nam là Vinaincon thực hiện.
Đến đầu năm 2011, do năng lực của Vinaincon hạn chế, không bảo đảm tiến độ nên Bộ Công Thương cho phép TISCO và MCC được phép chọn thêm một số nhà thầu phụ trong nước vào thi công để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục gặp vướng mắc về tài chính và ngưng trệ đến nay.
Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng bị “trùm mền” nhiều năm Ảnh: Hoài Dương
Ngập trong nợ
Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017 của TISCO, đơn vị này ôm mức nợ hơn 7.430 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn trên 3.310 tỉ đồng, nợ dài hạn 4.120 tỉ đồng. Trong năm 2016, con số này là 8.362 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn 4.446 tỉ đồng, nợ dài hạn 3.916 tỉ đồng.
Còn theo hợp đồng tín dụng mà TISCO đã ký với các ngân hàng thì từ ngày 1-1-2017, TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay khoảng 45,5 tỉ đồng/tháng. Do dự án chưa thể tái khởi động, chưa tạo được nguồn trả nợ nên TISCO đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngân hàng phép TISCO gia hạn thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi vay, đồng thời điều chỉnh thời gian rút vốn phù hợp tiến độ của dự án, tạo điều kiện để TISCO tiếp tục được vay vốn nhằm duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động của công ty.
Tính đến ngày 31-12-2016, tổng số vốn đã giải ngân cho dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II là hơn 4.563 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho vay 1.404 tỉ đồng; Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) 1.869 tỉ đồng; vốn của chủ đầu tư 1.290 tỉ đồng. Số tiền đã giải ngân là rất lớn nhưng nghịch lý là đến nay dự án vẫn "đắp chiếu" và gần như không thể tái khởi động.
Mắc nhiều sai phạm trong đấu thầu
Trong báo cáo thường niên năm 2016, TISCO cho biết theo tính toán từ phía nhà thầu, để hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của dự án theo hình thức EPC, cần phải đầu tư 105,4 triệu USD (tương đương 2.424 tỉ đồng). Liên quan đến việc đấu thầu, Bộ Công Thương đã có đánh giá TISCO mắc nhiều sai sót trong quá trình đấu thầu và ký hợp đồng tổng thầu, đặc biệt là nhượng bộ trong việc gia hạn tiến độ hoàn thành cho nhà thầu.