Gang thép Thái Nguyên vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019 với 2.160 tỷ doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng, đồng thuận giảm so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.652 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Tương ứng lợi nhuận gộp thu về hơn 400 tỷ đồng.
Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý được điều tiết giảm so với cùng kỳ, kết quả Công ty ghi nhận lãi sau thuế 41 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 46 tỷ 9 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt hơn 40 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản TISCO đạt 9.938 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm từ 3.424 tỷ về 2.722 tỷ đồng, chủ yếu hàng tồn kho giảm đáng kể về 1.859,5 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn ngược lại tăng nhẹ lên mức 7.216 tỷ đồng, ghi nhận giá trị chính tại chi phí xây dựng dở dang, riêng Công trình cải tạo giai đoạn 2 chiếm đến 5.287 tỷ đồng.
Được biết, cuối tháng 4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) phát đi thông báo đang khẩn trương tiến hành điều tra xác minh 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên. Căn cứ tài liệu điều tra xác minh thu thập được, ngày 18/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Gang thép Thái Nguyên.
Mặt khác, dù nợ được tiết giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên tình hình mất cân đối tài chính tại TISCO vẫn chưa được giải quyết. Nợ hiện vào mức 8.039 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 5.119,5 tỷ đồng – tức gấp gần 2 lần so với tài sản ngắn hạn. Nợ dài hạn ghi nhận 2.919 tỷ đồng.
Với mức vốn chủ 1.899 tỷ đồng, nợ đang cao gấp hơn 4 lần vốn; riêng nợ vay 4.976,5 tỷ - tức gấp 2,6 lần vốn chủ.
Không chỉ áp lực tài chính, dự án cải tạo bị tắc nghẽn, Công ty cho biết còn gặp phải khó khăn về tiêu thụ sản phẩm do ngày càng nhiều dự án thép mới đi vào sản xuất, cạnh tranh khốc liệt trong khi nhu cầu thị trường có hạn. Thị trường thép trong nước phải đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, cùng với sức ép từ nguồn cung dư thừa của sản xuất trong nước khiến cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp sản xuất liên tục giảm giá bán và đẩy mạnh các hình thức chiết khấu để giữ thị phần và duy trì sản xuất. Cùng với đó, các lợi thế của công ty về khai thác quặng sắt, than mỡ đang giảm dần đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty.