Chỉ còn hơn 15 ngày nữa là tới dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, giá vé máy bay các chặng bay đang dần dần tăng cao theo từng ngày, một số chặng bay "hót" đã bắt đầu hết các hạng vé phổ thông siêu tiết kiệm, phổ thông tiết kiệm, phổ thông tiêu chuẩn.
Theo khảo sát của PV Dân Việt, chặng bay Hà Nội - Phú Quốc vào ngày 27/4 của hãng hàng không Vietnam Airlines đã thông báo hết vé phổ thông chỉ còn vé máy bay hạng thương gia với giá vé máy bay lên tới hơn 13 triệu đồng/ vé một chiều. Đối với giá vé máy báy hạng phổ thông linh hoạt với mức hơn 4 triệu đồng/ vé một chiều.
Như vậy, một cặp vé khứ hồi của Vietnam Airlines chặng Hà Nội đi Phú Quốc dịp nghỉ lễ năm nay dao động từ khoảng 10 triệu đến hơn 26 triệu đồng/cặp vé, gần gấp đôi chuyến bay giờ đẹp trung tuần tháng 3/2024.'
Đối với chặng bay Hà Nội - Đà Lạt giá vé máy bay cũng cao kỷ lục với vé khứ hồi của Vietnam Airlines dao động từ 7 triệu đến 8,5 triệu đồng hạng phổ thông, Vietjet dao động 6 - 6,5 triệu đồng.
Chặng Hà Nội - Nha Trang, giá vé đã lên đến gần 5 triệu đồng - 7,4 triệu đồng cho vé khứ hồi của các hãng Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways.
Trong khi đó, các chặng quốc tế như Hà Nội - Bangkok đang ghi nhận mức giá 6 triệu đồng/vé khứ hồi, chặng TPHCM - Phnom Penh (Campuchia) đang có giá từ hơn 4 triệu đồng/vé khứ hồi. Những chặng này không có quá nhiều chênh lệch so với các chặng bay trong nước.
So sánh cùng kỳ năm 2023, vé máy bay năm nay cao hơn rất nhiều. Cụ thể, ở thời điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm trước, chặng bay Hà Nội đến Phú Quốc giá vé máy bay Vietnam Airlines mở bán 8,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi.
Thực tế, việc giá vé máy bay tăng cao liên tục có nguyên nhân đến từ việc khan hiếm vé máy bay khi ngành hàng không đang thiếu hụt đội máy bay và có nhiều nguyên nhân khác tác động tới thị trường.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, hiện nay, để mua được vé máy bay, người dân sẽ phải trả thêm nhiều loại thuế/ phí đi kèm, bởi mỗi chiếc vé máy bay phải “cõng” rất nhiều loại phí.
Đây là điều mà ít người dân quan tâm tới, nếu tìm hiểu kỹ có thể thấy việc quy trách nhiệm cho các hãng hàng không "thổi giá vé máy bay" chưa hẳn là đúng. Bởi để cấu thành giá vé máy bay, ngoài giá vé do hãng hàng không thu về, còn có thuế, phí cho các đơn vị khác mà hãng hàng không chỉ đơn thuần là đơn vị đứng ra thu hộ.
Đơn cử như vé máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines đang phải "gánh" thêm các khoản thuế phí bao gồm: Thuế giá trị gia tăng; Phí soi chiếu an ninh hành khách và hành lý là 20 nghìn đồng; Phí dịch vụ hành khách chặng nội địa là 99,000 nghìn đồng; Phụ thu quản trị hệ thống 450 nghìn đồng.
Như vậy, để vé máy bay đến được tay người tiêu dùng, giá vé máy bay cuối cùng sẽ phải gánh thêm khoảng gần 1 triệu đồng nữa.
Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do nhà nước quy định.
Trong số này gồm có 5 loại dịch vụ do nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do nhà nước quy định khung giá. Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.
Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối...
Người dân vào sân bay còn phải nộp thêm các loại phí như phí vào sân bay, phí đỗ xe... Như vậy, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.
Một chuyên gia hàng không cho biết, ngành hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải có sự sẻ chia khó khăn với nhau. Do đó, mức phí sân bay hiện nay cần được giảm để giảm bớt gánh nặng cho các hãng hàng không và cho chính người dân đi máy bay.
Trên thực tế, năm 2021, Bộ GTVT đã cho phép ACV giảm 50% mức giá cất hạ cánh nội địa nhưng ACV vẫn có doanh thu đủ bù đắp chi phí khai thác và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Nếu để giá vé máy bay tăng cao, khách du lịch giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung.
Nói về giá vé máy bay, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã thừa nhận một sự thật về việc đến cuối năm 2024, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất.
Ông Thắng cho hay: "Việc triệu hồi động cơ làm các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng máy bay bắt đầu từ tháng 1/2024). Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ.
Người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, số lượng máy bay trên thế giới bị lỗi động cơ rất lớn, khiến chuỗi cung ứng của nhà sản xuất bị đứt gãy.
"Các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025", ông Thắng khẳng định.