Qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những đồ phế liệu hay thứ lá bỏ đi đã được tạo thành dàn rối điện, nón lá độc đáo, giá trị cao.
Lão nông biến đồ phế liệu thành dàn rối điện độc đáo
Ông Hồ Văn Thân (60 tuổi, ở phường Quỳnh Thiện, TX. Hoàng Mai, Nghệ An) khiến nhiều người ngưỡng mộ khi "biến" những món đồ mua từ các cửa hàng phế liệu thành những con rối điện độc đáo.
Báo Dân Trí cho biết, ông Thân đam mê những con rối từ nhỏ và được nhận vào đoàn múa rối nước của địa phương. Do cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật khác, đoàn rối tan rã. Song ông luôn đau đáu với nghề rối.
Ông Thân bên dàn rối điện của mình. |
Năm 2000, ông Thân quyết định chế tạo dàn rối tự động chạy bằng điện để tất cả các nhân vật biểu diễn cùng lúc theo một hoạt cảnh dựng sẵn cho con cháu xem. Để thực hiện ý tưởng của mình, ông tìm mua mô tơ điện cũ, gỗ và các vật dụng từ cửa hàng đồng nát về làm khung, các nhạc cụ rồi tạo hình các nhân vật. Sau hơn 1 tháng mày mò chế tạo, 1 dàn rối điện hơn 10 nhân vật tự động nhảy múa theo điệu nhạc mà không cần người điều khiển của ông Thân được xuất xưởng trước sự thán phục của dân làng.
Đến nay, ông đã chế tạo được 15 dàn rối điện với các điệu nhạc từ độc tấu đàn bầu, nhảy sạp, nhạc Tây Nguyên, nhạc then, múa nụ xòe, bộ gõ... cho đến những dàn nhạc trẻ, nhạc đám cưới để phục vụ cho khán giả ở các lứa tuổi khác nhau.
Biến thứ lá bỏ đi thành nón trong suốt, bán giá cao
Theo Báo Dân Việt, từ những chiếc lá bàng rừng tưởng như bỏ đi, dưới bàn tay tài hoa của ông Võ Ngọc Hùng (64 tuổi, phường Kim Long, TP. Huế) đã biến thành những chiếc nón lá cách điệu ấn tượng, độc đáo.
Vài năm trước, ông Hùng từng thấy một họa sĩ làm ra chiếc nón lá truyền thống bằng lá sen được trưng bày tại Festival Huế. Lúc đó, ông Hùng nảy ra ý định sẽ tạo ra sản phẩm cách tân từ nón lá truyền thống nhưng khác về chất liệu. Đầu năm 2018, ông bắt đầu thử làm nón lá. Ban đầu, ông chọn lá bồ đề, lá sa kê cùng nhiều loại lá khác và trải qua không dưới 30 lần thất bại nhưng ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Trong một chuyến đi chơi với bạn ở Bình Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông tình cờ thấy chiếc lá bàng rừng rất to và dày phù hợp để làm nón lá.
Để có được những chiếc nón độc đáo, ông Hùng phải bỏ ra rất nhiều công sức cũng như trải qua nhiều công đoạn. Thương hiệu "nón lá bàng" của ông Hùng dần được nhiều người biết đến, đón nhận rất nhiệt tình, nhất là du khách ở Hà Nội và TP.HCM. Nón lá bàng này được bán với giá 450.000 đồng/chiếc.
Kho cổ vật có một không hai của 'ông trùm' xứ Huế
Căn nhà của anh Nguyễn Hữu Hoàng (47 tuổi, quê huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) chứa hàng nghìn cổ vật. Để có tài sản vô giá này, anh Hoàng đã mất 30 năm để sưu tầm.
'Ông trùm đồ cổ' Nguyễn Hữu Hoàng giữa các bộ trang phục cung đình nhà Nguyễn. |
Anh mê đồ cổ đến mức lúc khoảng 20 tuổi, bỏ xe đạp lên xe đò, anh ra TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) rồi đạp xe đến các huyện Gio Linh, Cam Lộ... lên núi, xuống biển, từ làng này qua làng nọ để săn tìm. Thành quả sau mỗi chuyến đi, anh Hoàng thu được cả ba lô đồ cổ.
Không giữ làm của riêng, anh Hoàng đã chuyển nhượng 41 cổ vật cho Bảo tàng TP.HCM. Ngoài ra anh còn tặng thêm 9 đồ vật - là những trang phục vua, quan, cung nữ thời nhà Nguyễn... cho bảo tàng.
Chợ 'độc' giữa Sài Gòn
"Chợ sâu bọ” nằm bên hông Thuận Kiều Plaza (quận 5, TP.HCM). Ở đây có đủ loại côn trùng, sâu bọ, từ dế, cào cào, sâu gạo, sâu quy, tắc kè, thằn lằn, rắn đến những loại hiếm như ve đầu mùa, điêu, rết,...
Có lẽ hiếm có ngôi chợ thị thành nào mà “tiểu thương” lại có xuất thân từ đồng ruộng, kênh phân phối thu gọn từ đồng lên hẳn chợ - như ở đây. Đặc biệt, chợ chỉ thu hút đàn ông, bởi phụ nữ mà nhìn những sâu bọ này có khi xỉu. Ngôi chợ này không chỉ là “chén cơm” nuôi sống bao người nghèo khó mà còn là nơi quen thuộc để tìm về của nhiều người yêu cá, yêu chim, cả những người mênh mang nỗi nhớ quê nhà.
Loại bưởi lạ to như quả bí khổng lồ, ăn được từ vỏ đến ruột
Cứ Tết đến xuân về, những loại hoa quả kỳ lạ, hiếm và đắt được quảng bá rầm rộ. Năm nay, ở Sài Gòn, một loại quả có tên gọi khá ấn tượng là quả kỳ đà đã xuất hiện. Nhìn bề ngoài, loại quả này giống quả bưởi nhưng kích thước thì siêu to khổng lồ.
Quả kỳ đà trở nên 'hot' tại Sài Gòn dịp Tết 2021 (Nguồn: @phandiemvlog) |
Theo giới thiệu của người bán, quả kỳ đà có tên gọi khác là bưởi thơm nhưng to hơn bưởi rất nhiều. Quả nhỏ nhất trong sạp cũng to bằng nửa thân người, hình dài như cái chuông, vỏ màu vàng tươi bắt mắt. Đặc biệt, loại quả này ăn được từ vỏ đến ruột. Giá một quả kỳ đà ngót nghét tiền triệu.
Độc đáo cây dâu tằm 'nhuộm' đỏ quả chín
Tuy nằm ở góc cuối cùng của chợ hoa xuân phường Hoa Lư (TP. Pleiku, Gia Lai) nhưng những cây dâu tằm bonsai lại thu hút khách hàng. Ai đi qua cũng phải dừng lại để ngắm những cây dâu tằm thế độc, lạ đang được bày bán.
Theo quan sát, những cây dâu tằm này được lấy gốc lớn từ tự nhiên, qua bàn tay nhào nặn của các thợ làm vườn đã trở nên những cây bonsai có giá trị cao. Trung bình chậu nhỏ có giá từ 2-5 triệu đồng còn những chậu lớn có giá 13-15 triệu đồng.
2 cây kiểng vạn niên tùng đạt kỷ lục độc bản Việt Nam
Cặp cây kiểng vạn niên tùng của nghệ nhân Nguyễn Phước Lộc (ở xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Cặp vạn niên tùng kiểng xuất xứ Nam bộ được tạo tác theo phương pháp Tứ diện nhật nguyệt đạt giá trị kỷ lục độc bản Việt Nam”.
Cặp vạn niên tùng vừa xác lập kỷ lục Việt Nam. (Ảnh: Báo Đồng Tháp) |
Theo Báo Đồng Tháp, cặp vạn niên tùng này khoảng 150 tuổi, mỗi cây có chiều cao khoảng 7m, đường kính tán khoảng 4m, hoành gốc 1,3m, hoành chi khoảng 40cm. Đây là một trong số hiếm các cây vạn niên tùng có đường kính chi lớn như vậy, các chi được tạo dáng uốn éo rất công phu và kỳ công theo phương pháp tứ diện nhật nguyệt (tức các chi được tạo tán hình tròn lớn nhỏ đan xen 4 phía như mặt trời và mặt trăng).
Ông Lộc chia sẻ, cặp vạn niên tùng này được ông mua từ một người chơi kiểng ở tỉnh Tiền Giang. Chúng có giá trị khoảng 10 tỷ đồng.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)