Để đảm bảo an ninh lương thực, một số chính phủ đã thực hiện chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực. Ấn Độ nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới sau Thái Lan cũng ngưng chào bán gạo, thực hiện phong tỏa 21 ngày chống dịch Covid-19. Campuchia cũng thông báo sẽ ngừng xuất khẩu gạo từ ngày 5/4… Riêng Thái Lan hiện vẫn chưa có động thái gì.
Tuần qua, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 7 năm, các nhà xuất khẩu nước này dự báo xuất khẩu sẽ tăng lên trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh đang tập trung vào việc chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Thông báo từ Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, giá tham chiếu gạo 5% tấm của Thái Lan hiện khoảng 560 – 570 USD/tấn, FOB Bangkok – mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2013. Cách đây một tuần, loại gạo này có giá dưới 500 USD/tấn.
Ngày 31/3, Philippines thông báo cần mua 300.000 tấn gạo. Ông William Dar, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines ngày 1/4 cho biết hơn một nửa trong tổng khối lượng 1,3 triệu tấn gạo mà các thương gia nước này đặt mua cho năm 2020 vẫn chưa được giao, và tỏ ý lo ngại sự trì hoãn có thể ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực trong nước.
Cụ thể, ông William Dar cho hay, khoảng 700.000 tấn gạo chưa được chuyển tới Philippines. Tuy nhiên, ông khẳng định nguồn cung ở nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện vẫn đảm bảo.
Cũng theo ông Dar, Chính phủ nước này có kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo như một "biện pháp khẩn cấp" để đảm bảo nguồn cung trong nước và ngăn giá tăng giữa bối cảnh nước này đang áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch virus corona.
Năm 2019, Philippines mua kỷ lục 2,9 triệu tấn gạo, chủ yếu của Việt Nam và Thái Lan, trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Hiện Philippines đang xem xét mua gạo của các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Myanmar, để tăng lượng dự trữ gạo của mình. Ông Dar cũng khuyến khích các thương gia nước này nhanh chóng chuyển gạo đã đặt mua về nước.
Đối với Việt Nam, kể từ ngày 24/3, Tổng cục Hải quan yêu cầu tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3. Mặc dù, ngay sau đó Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị cho phép chưa thực hiện việc tạm dừng xuất khẩu gạo.
Sau khi họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo nhằm thao túng giá đối với mặt hàng gạo.
Đồng thời, hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/4/2020, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh COVID–19.
Theo phương án “xuất khẩu có kiểm soát chặt chẽ” do Đoàn kiểm tra liên ngành (Bộ Công Thương chủ trì) đề xuất thì tổng lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và 5 còn khoảng 800.000 tấn.
Trước mắt, trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn, vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo các bộ ngành, Thủ tướng sẽ xem xét quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.