Bạn còn nhớ Bống chè bưởi chứ? Cô bé sinh năm 2007, quê Tuyên Quang, gọi thành công số vốn 300 triệu trên Shark Tank năm 2018. Với đam mê nấu chè bưởi bán cho cả xóm, cô bé đã tự lập tài chính từ lớp 2, 10 tuổi đã sắm iPhone, laptop. Còn nếu chưa nhớ ra nữa thì câu chuyện cực xịn về Bống ở đây này .
Sau 4 năm được biết đến với câu startup chè bưởi, Bống của hiện tại đã khác nhiều. Cô bạn đã 14 tuổi và ngày càng xinh xắn, trưởng thành. Bống xuất hiện trên truyền hình, các chương trình về ẩm thực và cả show kinh doanh dành cho các bạn đồng trang lứa. Và quan trọng nhất, Bống vẫn bán chè bưởi!
Bống chè bưởi ngày ấy - và bây giờ.
Chè bưởi của Bống giờ oách lắm nha. Sản phẩm không chỉ ngày càng hoàn thiện về công thức, nhận diện thương hiệu mà logo của món chè cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận. Sau những giờ học trên lớp và các hoạt động ngoại khoá, Bống trở về với công việc quen thuộc - tự tay chuẩn bị nguyên liệu cho nồi chè thơm phức của mình.
Kiếm được tiền sớm và tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh, nói không ngoa, Bống chính là Gen Z có trải nghiệm quản lý tài chính cá nhân hơi bị xịn. Chưa kể, cô bạn còn cùng với chị gái tìm hiểu đầu tư, bằng số tiền mình kiếm được từ việc kinh doanh.
Cùng kết nối với Bống để xem sau 4 năm, cô bạn có những thay đổi gì trong suy nghĩ lẫn cách sử dụng tiền so với hồi 10 tuổi đã có thể tự tay sắm đồ hiệu nhé!
Bán 200-300 cốc chè/ngày, gia tăng giá trị đồng tiền bằng cách chơi cổ phiếu
Sau khi gọi được vốn ở Shark Tank 2018, Bống đã sử dụng nó như thế nào? Công việc kinh doanh chè bưởi của bạn ổn chứ?
Sau khi gọi vốn thành công ở Shark Tank, đơn đặt hàng tăng lên rất nhiều nên mình vẫn tiếp tục nấu chè bưởi để phục vụ khách hàng vào mỗi cuối tuần sau giờ học. Kỳ nghỉ hè, có nhiều thời gian hơn nên mình có điều kiện để bán được nhiều hơn qua Fanpage “Quán Của Bống Chè Bưởi”. Ngoài ra, mình có giao sỉ cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch HanoFarm tại Hà Nội để có thêm kênh giới thiệu sản phẩm. Cũng có một số đề nghị của khách mua sỉ nhưng hiện tại mình chưa mở rộng quy mô vì muốn đảm bảo chất lượng, hương vị của món chè và không làm ảnh hưởng tới việc chính là học tập hiện tại.
Bống vừa nấu chè bán, vẫn phải đảm bảo việc học suốt 4 năm qua
Nhu cầu mua chè, đặt ship chè mùa dịch này có gì thay đổi không?
Mùa dịch này, mình vẫn nhận được nhiều đơn từ các cô, chú làm việc tại các văn phòng và các mẹ đặt chè về cho gia đình. Trung bình mỗi ngày mình bán được 200-300 cốc. Hiện tại, giá chè bưởi của Bống giao động từ 15-25k/cốc chè. Chè bán theo set (gồm 1kg chè bưởi và 350g nước cốt dừa) có giá từ 75-120k/set.
Từ khi mình bắt đầu nấu chè (năm 2014) đến giờ, doanh thu của năm sau luôn tăng so với năm trước đó. Hihi. Khách hàng luôn hài lòng và ủng hộ chè bưởi Bống nấu vì chè chỉ nấu và bán trong ngày, không có chất bảo quản, nguyên liệu đảm bảo và thực hiện cẩn thận theo đúng quy trình từ sơ chế đến lúc ra được sản phẩm.
Bống khi tự đánh giá về món chè của mình, bạn thấy sản phẩm đã có những cải tiến gì so với hồi mới nấu và bán?
Mình có xem lại những hình ảnh trước đây khi mới nấu chè, từ màu sắc của chè đến bao bì đều thấy chưa được chuyên nghiệp lắm. Trước kia, mình còn tự in tem bằng tờ bìa A4, rồi cắt nhỏ để tự dán vào nắp cốc nhựa cơ. Giờ mình đã dùng tô giấy loại tốt cho thực phẩm để đóng gói, có in logo sản phẩm nhìn rất chuyên nghiệp, mà logo của mình cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận rồi. Ngoài những cốc chè xinh xinh thì mình còn có thêm set chè dành cho gia đình, vừa tiện cho bảo quản và vận chuyển, vừa tiết kiệm khi mang chè về nhà và dùng bát sứ tại nhà để thưởng thức chè bưởi.
À! Chè bưởi Bống nấu bây giờ còn được “đa dạng hóa” với 3 món, phù hợp với khẩu vị của nhiều khách hơn và hiện được order rất nhiều, đó là: Chè bưởi truyền thống nấu với đường thốt nốt, Chè bưởi lá dứa đường phèn và Chè bưởi sen Huế.
Cô bé con năm nào giờ đã thành thiếu nữ xinh xinh, nhưng vẫn bán chè đều đều sau mỗi giờ học
Từ hồi mới 10 tuổi Bống đã tự lập tài chính và biết cách quản lý tài chính cá nhân rồi, đến bây giờ chắc đã “giàu" lắm! Sau khi có tiền từ kinh doanh, Bống có nghĩ đến chuyện đầu tư không? Có được bố mẹ định hướng cho việc này không?
Trong năm học, mình bán chè vào thứ 7 và chủ nhật. Mùa hè, mình mới bán nguyên tuần. Bởi vậy nên “thu nhập” từ kinh doanh của mình cũng chưa phải là nhiều.
Tuy nhiên, mình vẫn duy trì thói quen quản lý tài chính cá nhân theo nguyên tắc 6 ví nên luôn chủ động được hoạt động tài chính của mình. Số tiền gia tăng hàng năm mình dùng mở rộng thêm phần vốn để nhập hàng và nguyên liệu cho việc kinh doanh… Đồng thời, mình cũng dùng cho một số khóa học để có thêm kiến thức, kỹ năng về tài chính và dành cho cả hoạt động thể thao nâng cao sức khỏe nữa! Ngoài ra, mình luôn có 1 khoản tiền để hàng tháng góp quỹ Nuôi Em, hỗ trợ các em nhỏ ở vùng khó khăn có bữa ăn trưa tại trường.
Bên cạnh đó, từ những bài học về tài chính đã giúp mình hiểu đầu tư vào cổ phiếu cũng là một cách để làm gia tăng giá trị của đồng tiền, vì vậy mình đã chia sẻ với bố mẹ và được cùng bố mẹ tìm hiểu về cổ phiếu. Hiện, mình cũng đã có trải nghiệm đầu tư cổ phiếu cho sản phẩm về giáo dục. Mình nghĩ đây sẽ là những bài học rất giá trị cho cuộc sống sau này của mình…
Bống bắt đầu tìm hiểu về đầu tư cổ phiếu từ năm 2019 và cũng bắt đầu từ những kiến thức cơ bản nhất thôi. Bống có 1 khoản tiền nhỏ nên nhờ chị gái đứng tên mua cổ phiếu góp vốn cho 1 dự án, qua đó để biết được dòng tiền vận hành như thế nào qua việc đầu tư, lợi nhuận nhận được và rủi ro có thể gặp phải…
Nhà tôi thì 2 bố mẹ chung một ví tài chính vì còn lo cuộc sống sinh hoạt cho cả gia đình, nhưng 2 chị em Bống và Chép ngoài việc học tập đều có công việc riêng và độc lập, tuy số tiền kiếm được chưa nhiều nhưng các bạn đều tự chủ trong việc kinh doanh và tự quản lý nguồn vốn của mình. Tuy nhiên 2 chị em vẫn thường hỗ trợ nhau những lúc cần thiết (kiểu như giúp nhau giao nhận hàng hoặc cho nhau vay vốn ngắn hạn...).
Bố mẹ tuy không tham gia vào thị trường đầu tư (vì điều kiện kinh tế cũng giới hạn), nhưng bố mẹ vẫn cùng con tìm hiểu những kiến thức về các vấn đề cơ bản của nhóm đầu tư. Tôi và Bống cũng tìm hiểu về các nhóm công việc trong Kim Tứ đồ và thấy được mỗi nhóm có vai trò như thế nào trong nền kinh tế. Số tiền tuy nhỏ nhưng hợp đồng chị gái đứng tên hộ là số tiền của riêng Bống. Nhà tôi khá minh bạch trong việc tài chính cá nhân, cũng là cách để Bống hiểu trong trường hợp có lợi nhuận hoặc gặp rủi ro (không có lợi nhuận hoặc đầu tư lỗ vốn...) thì đó là những bài học giá trị cho bạn ấy.
Chị Dương Thanh Thúy (mẹ Bống) sinh năm 1975, chia sẻ.
Học lực nằm trong top đầu của lớp, thích tiếng Anh hơn là tìm crush
Bống có bao giờ nghĩ rằng sẽ đến một lúc nào đó Bống chán nấu chè bưởi và muốn làm một công việc khác… như là đi du học hoặc theo đuổi 1 đam mê nào khác chẳng hạn?
Mình thấy ngoài việc học tập thì công việc nấu chè bưởi và kinh doanh một số mặt hàng như hiện tại đang rất phù hợp với mình. Nó khiến mình bận rộn và tạo ra niềm vui khi luôn có những kế hoạch, đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình và được đóng góp một phần nhỏ cho các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa…
Giữa việc sống ở Tuyên Quang cùng bố mẹ và di chuyển đến thủ đô với nhiều điều mới mẻ, Bống sẽ lựa chọn cái nào?
Gia đình mình đã chuyển lên Hà Nội rồi. Từ khi chuyển về Hà Nội đến giờ, mình vẫn nhớ đến các thầy cô và các bạn ở trường cũ, nhớ các bác các cô hàng xóm, nhớ những người khách hàng thân thiết của món chè bưởi từ những năm mình mới “khởi nghiệp”. Nhưng với cuộc sống mới, với môi trường mới, mình cũng đã thích nghi và hòa nhập nhanh chóng.
Bống đã thích nghi nhanh chóng với cuộc sống mới khi chuyển lên Hà Nội
Cô bạn tham gia các hoạt động khởi nghiệp dành cho lứa tuổi của mình
Bống có từng bất đồng quan điểm với bố mẹ trong chuyện gì chưa? Theo Bống thì việc được mọi người đánh giá cao có quan trọng không hay chỉ cần làm điều mình vui là được?
Có chứ! Nhất là lúc mình đang ham làm một việc gì đó và xao nhãng các việc khác. Mỗi lần như vậy mình đều “bị” bố mẹ nhắc nhở, lúc đầu mình cũng thấy hơi “khó chịu” một xíu, nhưng sau khi nghe bố mẹ phân tích thì đã hiểu ra và thấy thật là may mắn khi có các “Mentor” ở bên cạnh như thế này. Giờ là “thanh niên” rồi, nên việc được mọi người đánh giá cao hay chỉ cần làm điều mình vui không phải là mục tiêu của mình. Mình muốn sống có ích hơn.
Học càng lên cao thì áp lực bài vở càng lớn, làm sao để tránh khỏi những mệt mỏi khi vừa phải quán xuyến việc kinh doanh lẫn việc học?
Đúng là như vậy. Năm nay mình lên lớp 9 rồi nên cũng phải chuẩn bị cho việc học tập ở một trường cấp 3. Trong năm học, mình chỉ bán chè vào thứ 7 và chủ nhật. Mùa hè, mình mới bán nguyên tuần, nhưng vẫn để dành ra ngày chủ nhật để tập luyện thể thao và học tiếng Anh.
Khi điều chỉnh kế hoạch cá nhân phù hợp, mình đã duy trì được thành tích top đầu của lớp, vừa giữ được niềm đam mê với kinh doanh và tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa của trường. Mình tin là mình làm được vì có gia đình luôn ủng hộ và hỗ trợ mình trong mọi việc.
Bống có đang thích ai không đó?
Mình thì chưa, nhưng lại luôn được các bạn trong lớp nhờ tư vấn chọn quà cho các bạn khác giới vào những dịp đặc biệt. Hihi. Hiện tại, mình vẫn ưu tiên cho việc học tập nhất là việc học thêm ngoại ngữ để sẵn sàng cho cuộc sống sau này.
5 sự thật về Bống chè bưởi mà người khác có thể không biết?
Đã từng có gần 6 năm luyện tập võ cổ truyền và có một số giải thưởng ở Đại hội thể dục thể thao.
Viết Nhật ký về “Hành trình khởi nghiệp”
Có niềm đam mê với môn bóng rổ
Yêu thích âm nhạc từ đàn dây, đặc biệt là đàn guitar
Viết chữ và trình bày vở ghi hàng ngày theo phong cách take notes bằng chữ Calligraphy.
Cảm ơn những chia sẻ của Bống!
Ảnh: NVCC