Tại Đại hội cổ đông của Vietcombank ngày 27/4 vừa qua, ngân hàng đã trình Đại hội thông qua kế hoạch tăng 10% vốn cấp 1, tương đương 359,77 triệu cổ phiếu. Kế hoạch này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Tổng Giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cũng đã khẳng định với các cổ đông về việc Quỹ đầu tư GIC của Singapore bày tỏ sự quan tâm đến việc mua 10% cổ phần của Vietcombank.
Trong khi đó, Ngân hàng Mizuho – cổ đông nước ngoài nắm giữ 15% cổ phần hiện tại của Vietcombank– sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ này ở Vietcombank.
Điều kiện về giá chào bán đã được thông qua tại ĐHCĐTN năm 2016. Đáng chú ý là giá chào bán sẽ không thấp hơn định giá của một bên định giá độc lập, cũng không thấp hơn thị giá, và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Trong trường hợp phương án trên không thành công, Vietcombank có thể sẽ tính đến “phương án B”, đó là phát hành 5.000 đến 8.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp. Tổng trái phiếu thứ cấp tại thời điểm cuối năm 2017 của Vietcombank là 12.200 tỷ đồng. Theo đó nhà băng này vẫn còn dự địa để phát hành thêm khoảng 25.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp nếu cần thiết.
Một ông lớn ngân hàng khác là VietinBank cũng sẽ tăng vốn trong năm 2018 do đây là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông vừa diễn ra, có rất ít thông tin về kế hoạch tăng vốn được chia sẻ. Lý do là bởi những kế hoạch này còn đang chờ được các cơ quan quản lý xem xét.
Thậm chí, ngay cả kế hoạch lợi nhuận năm 2018 của VietinBank cũng chưa được công bố vì vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét.
Nếu áp dụng quy định tại Thông tư 36 và Thông tư 06, hệ số CAR của VietinBank tại thời điểm cuối năm 2017 là 10%. Tuy nhiên theo Thông tư 41 (áp dụng tiêu chuẩn cao hơn là Basel 2), hệ số CAR của VietinBank sẽ chỉ còn khoảng 8%. Theo đó, Ngân hàng cần phải nâng vốn cấp 1 để đáp ứng sự tăng trưởng ổn định của mình.
VietinBank dự kiến sẽ chi cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 5%-7%, tương ứng số tiền sẽ dành để chi cổ tức là từ 1.861 tỷ đồng đến 2.606 tỷ đồng, tức là bằng khoảng 25%-35% lợi nhuận sau thuế.
Không giống như các Ngân hàng TMCP khác, tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, khả năng giữ lại lợi nhuận để nâng cao vốn chủ sở hữu ở các NHTM có vốn nhà nước là tùy từng thời kỳ. Với room hiện đã kín ở 30%, tỷ lệ sở hữu nhà nước là 64,46% và nhà nước đã không có ý định đưa thêm vốn vào các NHTM có vốn nhà nước, VietinBank sẽ không thể phát hành thêm cho NĐT cả trong và ngoài nước, trừ khi nhà nước nới lỏng ít nhất một trong các quy định trên.
VietinBank đã tích cực nâng vốn cấp 2 sau khi phát hành 8,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu thứ cấp trong năm 2016 và 4,2 nghìn tỷ đồng trong năm 2017, đưa tổng giá trị trái phiếu thứ cấp lên 20,5 nghìn tỷ đồng. Mặc dù Ngân hàng còn dư địa phát hành thêm khoảng 27 nghìn tỷ đồng trái phiếu thứ cấp nữa, thì việc làm này sẽ trở nên khó khăn hơn đối với các ngân hàng Việt Nam trong tương lai.
Với cách tính hệ số CAR theo Thông tư 41 (dựa trên Basel 2) và Thông tư 19, khi một tổ chức tín dụng mua trái phiếu thứ cấp của tổ chức tín dụng khác, khoản đầu tư này sẽ bị loại trừ khỏi vốn cấp 2 của tổ chức tín dụng đó.
Các ngân hàng hiện có 3 năm để chuẩn bị áp dụng Thông tư mới, tìm kiếm đối tượng mua trái phiếu khác và giảm đầu tư vào trái phiếu thứ cấp trên thị trường liên ngân hàng. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), trong tương lai, điều này chắc chắn sẽ làm giảm lượng trái phiếu thứ cấp được các ngân hàng mua từ các ngân hàng khác.
Theo đó việc nâng vốn cấp 2 sẽ trở lên khó khăn hơn do các ngân hàng chính là người nắm giữ trái phiếu thứ cấp lớn nhất. Tuy nhiên, HSC cũng lưu ý rằng 4,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu thứ cấp phát hành trong năm 2017 của VietinBank là phát hành ra công chúng, không phải cho các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, Đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành 945 triệu cổ phiếu mới, tương đương tăng 27,64% vốn điều lệ. BIDV dự kiến phát hành 170,9 triệu cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 5% vốn điều lệ năm 2017. Giá phát hành được xác định dựa trên định giá của tổ chức định giá và giá thị trường trên cơ sở các nguyên tắc xác định được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.
Ngân hàng cũng sẽ phát hành 603,3 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tương đương 17,63% vốn điều lệ năm 2017. Còn lại 170,9 triệu cổ phiếu cũng sẽ được BIDV phát hành cho người lao động theo chương trình ESOP (tương đương 5% vốn điều lệ).
Ngoài ra, phát hành trái phiếu chuyển đổi cũng được xem xét là một phương án tăng vốn của BIDV. Các hệ số an toàn tài chính của BIDV tại thời điểm cuối năm 2017 vẫn nằm trong ngưỡng quy định của NHNN. Hệ số LDR (dư nợ/vốn lưu động) theo Thông tư 36 là 81,78%, trong khi mức trần theo quy định của NHNN cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là 90%. Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn là 35,5%, trong khi mức trần theo quy định của NHNN cho năm 2017 hiện là 50%. Hệ số CAR của Ngân hàng mẹ là 9,01%, còn hợp nhất là 10,9%.