Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong tuần này đều ca ngợi về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên, đồng thời để ngỏ cơ hội cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3 có thể diễn ra. Những thiện chí đối thoại của hai bên là một dấu hiệu tốt trong bối cảnh các cuộc đối thoại hạt nhân đang bị đình trệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: ABC News.
Tuy nhiên, để tiến tới một Hội nghị Thượng đỉnh thứ 3 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên như dư luận mong đợi, cho thấy còn nhiều rào cản và thách thức.
Trên dòng Tweet đưa ra trên trang mạng xã hội hôm qua (13/4), Tổng thống Donald Trump ủng hộ ý kiến cho rằng ông và nhà lãnh đạo triều Tiên Kim Jong Un có mối quan hệ tốt và hội nghị thứ 3 sẽ là cần thiết để hai bên hiểu rõ hơn về lập trường của nhau. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết thêm, ông mong chờ sớm đến một ngày mà "vũ khí hạt nhân và các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên đều được dỡ bỏ và chứng kiến Triều Tiên trở thành một trong những quốc gia thành công nhất thế giới". Tổng thống Mỹ khẳng định, “Triều Tiên có tiềm lực lớn để tăng trưởng, đạt thành công về kinh tế và trở nên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong Un”.
Phát biểu khi có chuyến thăm các nước Nam Mỹ hôm qua (13/4), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng bày tỏ lạc quan về các bước tiến trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
“Chúng tôi đã đạt được các bước tiến liên quan đến vấn đề với Triều Tiên tại Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội. Tôi tin tưởng rằng, Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra các bước tiến để giải quyết các thách thức liên quan đến mối đe dọa hạt nhân, đang ảnh hưởng tới cả thế giới. Các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của thế giới, trong đó có các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nêu rõ các mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục theo con đường này để đạt được các mục tiêu đó”, ông Pompeo nói.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đưa ra sau khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẵn sàng có cuộc gặp Thượng đỉnh lần 3 với Tổng thống Donald Trump, miễn là Mỹ thay đổi cách thức đàm phán và đưa ra những điều khoản thỏa thuận hợp lý trước cuối năm 2019. Nhiều dấu hiệu cho thấy thiện chí đối thoại của Triều Tiên khi nước này có sự thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Kim Yong Chol đã được tái bổ nhiệm trở thành thành viên của Ủy ban Các vấn đề Nhà nước.
Ông là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân, đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Bình Nhưỡng và tới Washington đầu năm 2019 để thảo luận vấn đề đàm phán giữa hai bên. Bà Choe Son Hui cũng là một quan chức của Triều Tiên có vai trò lớn trong các cuộc đàm phán với Mỹ được thăng chức thành Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất. Đây sẽ là cơ hội để bà tiếp tục vai trò của mình nếu các cuộc đàm phán với Mỹ diễn ra.
GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS
Rõ ràng cả Mỹ và Triều Tiên đang bày tỏ thiện chí để tiếp tục các cuộc đàm phán hạt nhân và tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cũng nhận định, con đường tiến tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 sẽ đối mặt với thách thức lớn, khi cả hai bên đều để ngỏ cho cơ hội đối thoại, nhưng cũng không quên kèm theo điều kiện. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để mở cánh cửa ngoại giao, nhưng không đưa ra gợi ý nào về những nhượng bộ hay ý tưởng mới từ phía Triều Tiên, mà thay vào đó là yêu cầu Mỹ cần phải thay đổi “cách tiếp cận căn bản”.
Điều khác biệt duy nhất có lẽ đó là phía Triều Tiên đã đưa ra thời hạn cho Mỹ là cuối năm nay, với cảnh báo kiên nhẫn của Triều Tiên đang cạn dần. Nhà lãnh đạo Triều Tiên trước đó cũng khẳng định, Mỹ đang có những tính toán sai lầm khi nghĩ rằng Triều Tiên có thể chịu khuất phục trước các sức ép gia tăng và trừng phạt, đồng thời nhận định Mỹ đang đưa ra các đề xuất “hoàn toàn không thực tế”.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định cánh cửa đối thoại để mở và một Hội nghị Thượng đỉnh có thể xảy ra, nhưng cũng không đưa ra đề xuất mới nào. Giáo sư Kim Hyun-wook thuộc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, với đề xuất này của Triều Tiên, họ muốn thấy Mỹ đưa ra các bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, với tuyên bố của hai bên cho thấy lập trường khác biệt là rất lớn. Mỹ dường như cũng đang đưa ra lập trường thậm chí còn cứng rắn hơn kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội. Trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ- Hàn trong tuần này, Tổng thống Mỹ cũng bác bỏ lời kêu gọi làm sống lại các dự án hợp tác kinh tế liên Triều.
Giáo sư Shin Beomchul, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Asan tại Hàn Quốc cho rằng, hạn chót cuối năm của nhà lãnh đạo Triều Tiên phản ánh mong muốn đạt được kết quả đàm phán trước khi Tổng thống Trump tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020. Ông Shin Beomchul cũng nhận định, đối đầu sẽ tiếp tục và không có nhiều cơ hội Mỹ sẽ thay đổi lập trường. Thậm chí những đối đầu này còn phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4, nếu diễn ra, với kết quả giới hạn.
Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên hay mối quan hệ Mỹ-Triều trong quá khứ luôn chứng minh những thách thức và sự khó định đoán. Chưa rõ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 có diễn ra hay không và mối quan hệ hai bên sẽ diến biến như thế nào, nhưng với thành ý tiếp tục đối thoại của cả Mỹ và Triều Tiên cũng được đánh giá là một dấu hiệu tích cực trong các bối cảnh các đàm phán hạt nhân bị đình trệ sau Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội vào tháng 2 vừa qua./.