Mới nhất, Tập đoàn Đất Xanh đã quyết định giảm 50% tiền thuê mặt bằng cho các đơn vị thuê mặt bằng khu nhà trẻ tại các dự án. Đây là việc làm khá thiết thực trong tình hình hiện nay, khi phía đối tác không có doanh thu, phải cho học sinh và nhân viên tạm nghỉ trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19.
Tình trạng trả lại mặt bằng kinh doanh đang diễn ra khá rầm rộ ở các TP lớn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (Ảnh: Đình Việt)
Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư.
Cụ thể, chương trình được áp dụng từ tháng 2-4/2020 tại các trung tâm thương mại Moonlight Plaza (Thủ Đức), Saigon Mia (Bình Chánh), Vung Tau Melody (Vũng Tàu). Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh Retail, đơn vị thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết, sẽ xem xét từng trường hợp để quyết định mức giảm tốt nhất trong khoảng từ 20-40%, thậm chí có thể giảm nhiều hơn. Ngoài ra, thời gian hỗ trợ cũng sẽ linh động tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19.
Vincom Retail mới đây cũng phát đi thông báo sẽ giảm giá tiền thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống cho đối tác nhằm chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chương trình hỗ trợ được áp dụng cho đối tác ở tất cả các ngành hàng đang kinh doanh tại 79 trung tâm thương mại trong hệ thống của Vincom Retail trên toàn quốc, có hợp đồng thuê giá cố định đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, doanh nghiệp này cho biết, phần lớn của gói hỗ trợ (300 tỷ đồng) sẽ được dành cho việc giảm giá tiền thuê mặt bằng cho đối tác, một phần dành cho việc phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom… Tỷ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp được Vincom xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng của các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định.
Trước tình trạng nhiều DN nhỏ, hộ kinh doanh… phải đóng cửa vì dịch Covid-19, dẫn đến thị trường cho thuê mặt bằng trở nên khó khăn hơn, động thái giảm giá thuê cho đối tác được đánh giá khá cao, chấp nhận bị giảm doanh thu từ việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng, nhằm giúp các đối tác trong mùa dịch này đã thể hiện quyết tâm cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong khi đó, ở góc độ quản lý, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp hỗ trợ DN BĐS ứng phó và vượt qua khó khăn trước tác động của đại dịch Covid-19.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có thị trường BĐS. Chủ tịch HoREA dẫn chứng, nhiều tuần trở lại đây, loạt cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn. Tất cả các DN BĐS đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị (PR), bán hàng đều bị hủy bỏ.
“Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và BĐS cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách thuê trả lại…”, lãnh đạo HoREA cho hay.
Theo ông Châu, đại dịch không chỉ làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể doanh nghiệp bị mất thanh khoản. Bên cạnh đó, Covid-19 khiến doanh nghiệp tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển thành nợ xấu. Đồng thời làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động… Tất cả những khó khăn sẽ làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị rơi vào thua lỗ, phá sản.
Do vậy, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị nhằm “cứu nguy" cho thị trường.
Cụ thể, HoREA đề xuất bổ sung DN BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 3-6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, HoREA cũng đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 3-6/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có DN BĐS.
Ngoài ra HoREA kỳ vọng việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có DN BĐS. Đặc biệt, xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…); xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phục hồi.