Tại buổi thảo luận với Hiệp hội, nhiều DN vận tải cho biết, tuy doanh thu đầu vào giảm đến 70%, nhưng các khoản chi phí đầu ra như chi phí nhân công; lương lái, phụ xe; chi phí nhiên liệu; các khoản phí, thuế; lãi vay ngân hàng... doanh nghiệp vẫn phải chi bình thường dẫn dến doanh nghiệp mất cân đối thu chi.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho biết, ngoài xe du lịch mỗi ngày đơn vị đang có 10 lượt xe xuất phát từ các bến xe Hà Nội đi Lào Cai và các tỉnh phía bắc. Tuy nhiên, từ Tết ra đến nay tuy là mùa cao điểm của vận tải nhưng đơn vị phải cắt giảm một nửa vì vắng khách.
“Mặc dù nhà xe tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch của Bộ Y tế và phát khẩu trang, trang bị dung dịch nước rửa tay miễn phí khi khách lên xe nhưng gần 2 tuần nay nhiều xe xuất bến Mỹ Đình rất vắng khách”, ông Bằng nói.
Với các lượt xe chạy du lịch (tour), ông Bằng cho biết, hàng năm sau Tết, 20 xe hoạt động du lịch thường kín lịch chạy đến hết tháng 3, nhưng từ tết ra đến nay toàn bộ số xe này đang dừng hoạt động. “Tính cả chi phí vận tải liên tỉnh và vận tải du lịch, mỗi tháng doanh nghiệp đang phải bù lỗ gần 1 tỷ đồng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”, ông Bằng thông tin về con số thiệt hại.
Ông Nguyễn Thái Học, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và dịch vụ quốc tế Thiên Sơn cho biết, trước đây hàng tháng đơn vị có khoảng 5 chuyến xe vận chuyển hàng nông sản theo lộ trình Bắc - Nam. Nhưng nay giảm 1 nửa vì lượng hàng hóa ách tắc tại cửa khẩu, khách hàng nhập ít. “Với đội xe hơn 100 chiếc, chỉ tính riêng chi phí nhiên liệu, lương lái xe, chi phí lãi vay mỗi tháng chúng tôi đang bù lỗ gần 3 tỷ đồng”, ông Học nói.
Đại diện Công ty TNHH Liên doanh quốc tế DNT cũng thông tin: "Doanh thu trong gần hết quý I của đơn vị chỉ đạt khoảng 10% so với năm ngoái. Với mức lợi nhuận này, chúng tôi khó có thể kéo dài hoạt động vì chi phí đầu ra vẫn phải duy trì ở mức quá lớn, nếu không có hướng tháo gỡ chúng tôi đang đứng bên bờ vực phá sản".
Đề xuất 4 giải pháp để giải cứu vận tải
Đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, trước các khó khăn do dịch virus covid-19 gây ra, nhiều bộ ngành và Chính phủ đã có các giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ. Đơn cử, trước tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu, kinh doanh sản xuất gặp khó khăn do dịch virus covid-19, Chính phủ đã có các biện pháp khai thông bằng việc mở rộng việc thông quan tại các cửa khẩu; cơ cấu hoặc giãn nợ - lãi vay cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại các ngân hàng.
Xe du lịch cũng chung tình trạng vắng khách từ sau Tết đến nay.
Do giảm đến 70% lượng hành khách và sản lượng vận chuyển hàng hóa do dịch virus covid-19 nên hiện các DN vận tải cũng đang gặp nhiều khó khăn và rất cần được các bộ ngành, Chính phủ chia sẻ, tháo gỡ. “Sự việc đã diễn ra từ sau Tết đến nay nhưng chưa thấy các bộ ngành có liên quan như Bộ GTVT, Chính quyền và các Sở GTVT các địa phương lên tiếng. Trước tình hình trên, trong hơn tuần qua Hiệp hội vận tải Hà Nội đã tổ chức 2 cuộc thảo luận với các DN vận tải để nắm bắt thực tế”, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói.
Sau các buổi thảo luận, Hiệp hội vận tải Hà Nội đã có đơn kiến nghị gửi Chính phủ để đề nghị có các giải pháp giải giải cứu ngành vận tải. Cụ thể, đơn do ông Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội ký gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc hạn chế thiệt hại mức thấp nhất do đại dịch covid-19 gây ra, Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội xin kiến nghị với lãnh đạo các cơ quan nhà nước một số đề xuất để nhà nước hỗ trợ ngành vận tải vượt qua khó khăn trước mắt.
Các đề xuất này bao gồm: Thứ nhất, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng: giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải, hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn. Thứ hai. giảm phí BOT từ 3% - 5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chỏ khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải. Thứ ba, ổn định giá xăng dầu tạm thời đến hết quý II năm 2020, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xăng dầu nâng cao sản lượng xăng E5. Thứ tư, Bộ GTVT quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí lao động cho các doanh nghiệp.
Cùng với đó, lãnh đạo Hiệp hội vận tải Hà Nội đưa ra hướng xử lý: để giúp cho các ngành thực hiện các kiến nghị trên, Hiệp hội đề nghị Quốc hội và Chính phủ sử dụng một phần gói kích cầu (dự kiến 2.000 tỷ) để hỗ trợ cho các đơn vị vận tải thực hiện các chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững.