Gazprom báo cáo mức lãi ròng kỷ lục 41,4 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Giá dầu và khí đốt tăng đột biến trong quãng thời gian đó vì những nỗi lo liên quan đến nguồn cung, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Điện Kremlin sở hữu 49,3% cổ phần Gazprom và sẽ được hưởng lợi tức trong khoản thanh toán 1,21 tỉ rúp. Ban điều hành Gazprom đã đề xuất mức thanh toán 51,03 rúp cho mỗi cổ phiếu phổ thông của các nhà đầu tư.
Đây là một diễn biến không mong muốn đối với nỗ lực của phương Tây nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga bằng lệnh trừng phạt. Anh và châu Âu cũng đã loại bỏ dần dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga để gia tăng sức ép lên Moscow. Tuy nhiên, Nga đã tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Á giữa lúc giá khí đốt tăng vọt do Gazprom cắt nguồn cung vào châu Âu.
Gazprom báo cáo mức lãi ròng kỷ lục 41,4 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Reuters
Phó Giám đốc điều hành Gazprom Famil Sadygov khẳng định: "Bất chấp sức ép trừng phạt và môi trường bên ngoài bất lợi, tập đoàn Gazprom ghi nhận lãi ròng kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2022 trong khi giảm nợ ròng xuống mức tối thiểu".
Quyết định chia cổ tức được đưa ra trong bối cảnh các công ty năng lượng và giới chính trị gia đang hồi hộp chờ xem liệu Nga mở lại nguồn cung cấp khí đốt vào châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 hay không.
Phương Tây lo ngại Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung cho châu Âu trong những tháng đông cao điểm, theo Reuters.
Moscow thông báo đã khóa nguồn cung khí đốt qua Nord Stream 1 vào 5 giờ ngày 31-8 để sửa chữa. Gazprom đã giảm sản lượng khí đốt trong những tháng gần đây xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2008.
Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller. Ảnh: Reuters
Giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller ngày 31-8 nhấn mạnh lệnh trừng phạt của phương Tây đồng nghĩa Công ty Siemens Energy không thể tiến hành các đợt bảo trì định kỳ cho đường ống Nord Stream 1, hãng tin Interfax cho biết.
Để đảm bảo Nord Stream 1 hoạt động suôn sẻ, cần thay thế định kỳ một số thiết bị như tua-bin.
Theo Gazprom, những vấn đề liên quan đến thiết bị bị lỗi hoặc bị giao chậm là nguyên nhân chính khiến nguồn cung qua Nord Stream 1 bị giảm.
Điện Kremlin ngày 30-8 khẳng định chỉ có lệnh trừng phạt của phương Tây mới ngăn Nord Stream 1 hoạt động hết công suất.
Bộ trường Tài chính Mỹ cảnh báo
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 31-8 cảnh báo việc không áp đặt giá trần đối với dầu Nga sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc họp với người đồng cấp Anh Nadhim Zahawi, Bộ trưởng Yellen khẳng định: "Nếu không áp trần đối với dầu Nga, giá năng lượng toàn cầu có thể tăng vọt nếu phần lớn hoạt động sản xuất năng lượng của Nga dừng lại".