Theo Reuters, Gazprom thông báo về việc này qua một lá thư được gửi ngày 14/7. Trong thư, tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga nói rằng tình trạng bất khả kháng xảy ra với nguồn cung từ 14/6, dẫn tới việc họ không thể hoàn tất nghĩa vụ của mình được quy định trong hợp đồng.
Thông tin về văn bản này xuất hiện đúng thời điểm đường ống dẫn khí Nord Stream 1 từ Nga tới Đức qua một loạt nước châu Âu đang trải qua đợt bảo trì định kỳ kéo dài 10 ngày, dự kiến kết thúc vào 21/7.
Tuy nhiên, những thông tin này ngay lập tức làm dấy lên lo ngại ở châu Âu về việc Moscow có thể sẽ không khởi động lại đường ống sau lịch bảo trì định kỳ.
Ở thời điểm hiện tại, tuyên bố không đồng nghĩa với việc Gazprom sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Nó chỉ có nghĩa là tập đoàn dầu khí quốc doanh nga sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu không thể đáp ứng được các nghĩa vụ hợp đồng vì điều kiện "bất khả kháng". Trong khi đó, có những ý kiến ở phương Tây lại cho rằng Moscow đang sử dụng khí đốt đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh châu Âu.
Các khách hàng lớn của Gazprom tại châu Âu cũng đã nhận được thông báo về sự việc này. Theo đó, từ 14/6, Gazprom đã cắt giảm công suất của Nord Stream 1 xuống 40%, ngày mà Gazprom cho biết là điểm khởi đầu của sự kiện bất khả kháng. Tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến họ không thể cung cấp đủ lượng khí như hợp đồng. Cụ thể, nhà cung cấp thiết bị Siemens Energy (ENR1n.DE) đã chậm trả lại tuabin khí sau khi bảo trì ở Canada.
Hiện tại, phía Canada đã gửi tuabin khí tới Đức bằng máy bay vào ngày 17/7 sau khi hoàn tất sửa chữa. Họ cho biết nó có thể tới Nga sau 5-7 ngày nữa nếu không gặp vấn đề gì về hậu cần và hải quan.
Bộ Kinh tế Đức không cung cấp thông tin chi tiết về vị trí của tuabin. Trong khi đó, một người phát ngôn của bộ này cho biết bộ phận thay thế chỉ được sử dụng từ tháng 9, có nghĩa sự vắng mặt của nó không thể là lý do khiến dòng khí bơm từ Nga tới châu Âu bị giảm sút trước khi bảo trì.
Liên minh châu Âu đã áp các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và một trong số đó là đặt mục tiêu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Từ nay tới đó, EU vẫn muốn được cung cấp nhiên liệu đầy đủ khi họ tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cáo buộc Moscow tiếp tục sử dụng khí đốt như một thứ vũ khí kinh tế và chính trị. Chính vì thế, Chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục làm việc để châu Âu bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga. Ở thời điểm hiện tại, quyết tâm của Mỹ và châu Âu khiến giá nhiên liệu leo thang trên toàn cầu, đẩy người tiêu dùng đối mặt với khó khăn và thiếu thốn, kéo các mặt hàng tăng giá phi mã.
Ngay tại lúc này, châu Âu cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát chưa từng có. Điều tồi tệ hơn nữa có thể sẽ xảy ra nếu như Nga hạn chế nguồn cung khí đốt tới châu Âu, dẫn tới việc tích trữ cho mùa đông không đạt mục tiêu.