Xét về quy mô nền kinh tế, trong năm 2021, Thái Lan là nền kinh tế lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và xếp thứ 25 trên thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Thái Lan đã đạt mức tăng trưởng 1,6% với GDP đạt 546 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,58% trong năm 2021 với GDP đạt 352 tỷ USD. Trong khối các nước ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5, sau Indonesia, Thái Lan, Philippines và Singapore.
GDP của Việt Nam và Thái Lan giai đoạn 2010-2020 (tỷ USD). Nguồn: WB.
Trong giai đoạn 2018-2021, GDP của Thái Lan ( khoảng 530 tỷ USD/năm) đang gấp đôi Việt Nam (khoảng 282 tỷ USD/năm). Nền kinh tế Thái Lan hiện nay phụ thuộc lớn vào du lịch và xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 60% GDP. Còn kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, xuất khẩu thô và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Xét về GDP bình quân đầu người, trong nhiều năm qua, GDP của Thái Lan luôn lớn hơn Việt Nam. Cụ thể, giai đoạn 2018-2021, GDP bình quân của Thái Lan (7.800 USD/năm) gấp khoảng 3 lần của Việt Nam (2.740 USD/năm).
GDP bình quân đầu người của Việt Nam và Thái Lan giai đoạn 2010-2020 (USD). Nguồn: WB.
Trong năm 2021, GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 2.859 USD và Thái Lan đạt khoảng 7.645 USD. Chỉ xét riêng trong năm 2021, GDP bình quân của Thái Lan gấp khoảng 2,7 lần Việt Nam.
Mặc dù GDP chỉ bằng 1/2 và GDP bình quân bằng 1/3 nhưng Việt Nam lại đang được đánh giá là ngôi sao đang lên và có thể vượt qua Thái Lan trong thời gian ngắn sắp tới.
Cụ thể, tại Hội nghị thảo luận các chiến lược để tối ưu cơ hội đầu tư vào Việt Nam sau đại dịch với chủ đề "Việt Nam - ngôi sao đang lên", ông CK Tong, Tổng giám đốc BW Industrial Development JSC từng khẳng định: "Dù có Covid-19 hay không, Việt Nam vẫn giữ vị trí thuận lợi để đón làn sóng Trung Quốc+1". Theo ông, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, Indonesia, Philippines trong những năm tới.
Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế, theo Bangkok Post, nền kinh tế Thái Lan trong những năm từ 1960-1990 luôn tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5%. Nhưng trong suốt giai đoạn 2008-2018, tốc độ tăng trưởng đã giảm mạnh, thậm chí xuống âm 0,7% vào năm 2009.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam ổn định hơn với tổng độ tăng trưởng từ 5,2%-7,1% trong giai đoạn 2012-2018. Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng ổn định 7% và được đánh giá là một trong những nên kinh tế thành công của thế kỷ 21.
Đặc biệt, Bangkok Post nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2018 cao gấp 1,7 lần so với Thái Lan. Các chỉ số khác như thu hút FDI, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và chi tiêu tiêu dùng cũng đã vượt Thái Lan.
Không chỉ vậy, xét về xuất khẩu mặt hàng công nghệ cao, năm 2016, Việt Nam đạt tổng kim ngạch là 55,2 tỷ USD, trong khi Thái Lan chỉ đạt 8,8 tỷ USD. Qua đó, Bangkok Post cho biết, dù đi sau hàng thập kỷ, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh và vượt qua Thái Lan.
Theo BW Industrial, một trong những động lực cho kinh tế Việt Nam sẽ sớm vượt Thái Lan chính là nhờ lực lượng dân số vàng. Theo WB, dân số Việt Nam dự kiến sẽ đạt 120 triệu người vào năm 2050. Trong đó, 70% dân số dưới độ tuổi 35 và tuổi thọ trung bình là 76 tuổi, cao nhất trong số các nước có mức thu nhập tương tự ở Asean.
Trong khi đó, quy mô dân số của Thái Lan hiện là 70 triệu người với hơn 1/4 dân số sẽ trên 60 tuổi vào năm 2030. Đặc biệt, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ sinh của Thái Lan liên tục giảm mạnh trong nhiều năm qua. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lực lượng lao động sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong 2 thập kỷ tới.
Ngoài ra, BW Industrial cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đã trở thành một trong những yêu tố giúp Việt Nam ngày càng phát triển. Hiện nay, số lượng các FTA mà Việt Nam tham gia nhiều hơn Thái Lan và các quốc gia trong khu vực.
Trong đó, những hiệp định lớn mà Việt Nam đã ký kết điển hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP),…
Cùng với đó, Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ký hiệp định thương mại song phương với thị trường EU. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã thúc đẩy đáng kể kinh tế của Việt Nam, từ đó kinh tế Việt Nam bắt đầu có lợi thế hơn so với Thái Lan.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có hiệp định.
Một yếu tố nữa giúp kinh tế Việt Nam có lợi thế phát triển hơn so với Thái Lan đó là tiêu dùng nội địa tăng mạnh, BW Industrial nhấn mạnh. Theo đó, khi các điều kiện kinh tế được cải thiện, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 3 trong giai đoạn 2005-2021 (từ 600 USD lên đến 2.859 USD). Khi thu nhập tăng kéo theo sức mua cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, theo WB, tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện chiếm 13% dân số cả nước và được dự đoán sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Việt Nam đang nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu trong khu vực, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines về sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), sự bùng nổ chi tiêu của tầng lớp trung lưu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng chi tiêu dùng quốc gia. Qua đó, chi tiêu của nhóm người này sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế.