Stella Quimbo, đồng chủ tịch Ủy ban kích thích kinh tế của Hạ viện Philippines cho biết quốc gia này cần có động thái lớn và toàn diện thay vì cách "tiếp cận từng phần" để khôi phục lại nền kinh tế đang gặp khó khăn vì Covid-19. Theo bà Quimbo, Chính phủ cần tập trung vào trợ cấp tiền lương và cho vay lãi suất thấp nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, vốn sử dụng hơn 60% lao động Philippines.
Trong quý 2 vừa qua, kinh tế Philippines hứng chịu cú sụt giảm chưa từng có với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Chính phủ nước này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống 5,5% và nói rằng họ không đủ tiền để đáp ứng gói kích thích 1,3 nghìn tỷ peso mà Hạ viện đã thông qua hồi tháng 6.
"Chúng ta đang gặp bế tắc và lối thoái duy nhất là kích thích tài chính. Thay vì tiết kiệm cho những ngày mưa, cái mà chúng ta không biết khi nào nó tới, chính phủ phải có kế hoạch để kiểm soát virus để có thể có kế hoạch chi tiêu nhằm kích thích nền kinh tế", bà Quimbo nhận định.
Ở thời điểm hiện tại, Philippines đã vượt Indonesia trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á. Chính điều này khiến nhiều nhà quan sát cho rằng triển vọng kinh tế của Philippines sẽ tiếp tục xấu đi trong ngắn hạn. Đi cùng với đó là hàng loạt các rủi ro khác khi họ loay hoay tìm cách kiểm soát đại dịch lây lan.
Trong khi chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte muốn các gói kích thích nhỏ kết hợp cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi giảm dần các ưu đãi thì bà Quimbo ước tính cần một biện pháp kích thích quy mô lớn để có thể kích thích nền kinh tế đang rất khó khăn của Philippines.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez nói rằng quốc gia này có đủ nguồn lực để phục vụ cho cuộc chiến chống Covid-19 kéo dài. Ông Dominguez nói rằng "sức mạnh kinh tế vĩ mô và chính sách tài khóa độc đáo" sẽ tạo ra "chỗ dựa vững chắc" để quốc gia này đối phó với những thách thức kinh tế mà dịch bệnh tạo ra.
"Chúng ta có các nguồn lực cần thiết để chống chọi với thách thức này nhưng chúng ta cũng phải tiết kiệm các nguồn lực của mình để có thể thành công. Khả năng năng cầm cự của chính phủ phụ thuộc vào khả năng cầm cự trên lĩnh vực tài chính của chúng ta", ông Dominguez nhấn mạnh.
Không lâu sau kết quả chính thức cho thấy Philippines rơi vào suy thoái tồi tệ chưa từng có trong quý 2, quốc gia này cũng đã phải tái phong tỏa thủ đô Manila và các khu vực xung quanh để ngăn chặn dịch bệnh. Các biện pháp giãn cách xã hội để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Philippines và có thể tồi tệ hơn nữa khi chúng được áp dụng trở lại. Đó là bài toán khó của các nhà lãnh đạo quốc gia này.