Theo số liệu được Cục phân tích kinh tế Hoa Kỳ (BEA) công bố tối qua (30/7) theo giờ Việt Nam, quý II vừa qua nền kinh tế Mỹ đã suy giảm mạnh nhất từ trước đến nay, giảm 32,9%.
32,9% thực sự là một con số tồi tệ và khiến nhiều người sửng sốt. Và đúng là kinh tế Mỹ đang ở trong trạng thái tồi tệ vì chịu sự tàn phá của dịch bệnh. Nhưng có lẽ nhiều người đang hiểu lầm về con số này.
Liệu có phải GDP Mỹ giảm hơn 30% trong quý II tức là nền kinh tế lớn nhất thế giới bị thu hẹp 1/3 chỉ trong 3 tháng?
Theo cách tính của Mỹ, GDP quý II/2020 giảm 32,9% thì đó là tốc độ tăng trưởng GDP quý II so với quý I, sau khi được điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ và được điều chỉnh cả về cơ sở hàng năm. Nếu tính theo quý, không điều chỉnh về cơ sở hàng năm, GDP Mỹ quý II/2020 chỉ giảm 9,49% so với quý I/2020 và giảm 9,54% so với quý II/2019.
Công thức tính GDP annualize cho thấy kết quả kinh tế Mỹ sẽ như thế nào nếu có 4 quý liên tiếp giống như quý vừa qua, và công thức điều chỉnh về cơ sở hàng năm như sau:
Trong đó: g(quarterly) là tỷ lệ tăng trưởng của quý này so với quý trước.
Cách tính này đem lại cho công chúng con số dễ hiểu về mặt thống kê, nhưng vì quý II vừa qua quá khác biệt với hàng triệu doanh nghiệp phải đóng cửa và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm mạnh vì dịch bệnh, con số này rất dễ gây hiểu nhầm.
Kể từ khoảng tháng 4, một số nơi ở Mỹ đã được cho phép mở cửa trở lại. Về mặt y tế thì đó là lựa chọn không hay vì khiến làn sóng thứ 2 ập đến và rất có thể các nơi này sẽ phải đóng cửa một lần nữa trong tương lai. Tuy nhiên, chí ít thì nước Mỹ đã hiểu rõ hơn điều gì là an toàn (ví dụ như như các giao dịch ngoài trời hoặc một số giao dịch vẫn có thể thực hiện được nếu đeo khẩu trang). Thời gian vừa qua cũng cho thấy những lĩnh vực có tiềm năng, điển hình như kinh doanh trực tuyến.
Do đó, nhìn vào triển vọng quý III/2020, sẽ có những ngành được tái mở cửa hoàn toàn (đại lý xe hơi, cửa hàng đồ gia dụng) nhưng cũng có ngành chỉ được mở cửa một phần (các nhà hàng). Không ngạc nhiên khi số liệu tăng trưởng GDP quý III sẽ cao kỷ lục sau khi được điều chỉnh về cơ sở hàng năm. Tổng thống Trump lại có thể ca ngợi nền kinh tế đang ở trong trạng thái tốt nhất từ trước đến nay, mà tất nhiên thực tế là kinh tế quý III không thay đổi quá nhiều so với quý II.
Kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng khá tệ: tỷ lệ thất nghiệp cao, rất nhiều doanh nghiệp bên bờ sụp đổ hoặc phá sản. Tuy nhiên các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế lớn chưa từng thấy mà chính phủ Mỹ tung ra cũng đã phần nào giảm thiểu các tác động đến đời sống của người dân Mỹ.
Giờ đây có 2 câu hỏi lớn: liệu cuộc khủng hoảng y tế có trở nên tồi tệ hơn và tạo ra cơn bão mới nhấn chìm kinh tế Mỹ xuống sâu hơn hay không? Và liệu Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục tung ra những gói kích thích khổng lồ để cứu giúp người dân khi những khoản trợ cấp khẩn cấp của đợt 1 cạn kiệt?
Cả hai câu hỏi đều rất khó trả lời. Cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế Mỹ khó có thể quay trở lại trạng thái bình thường.