Tuy nhiên, mức tăng trưởng này được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế trong nước chịu nhiều tổn thương và đặc biệt là mức tăng GDP này phù hợp với dự báo trước đó của các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Trong đó, con số tăng trưởng GDP 5% vẫn cao so với dự báo, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á; trong bối cảnh Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng 2,9% năm 2023.
Sáng ngày 29/12, Tổng cục Thống kê họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện hơn, gia tăng căng thẳng địa chính trị; xung đột Nga – Ukraine diễn biến phức tạp, giao tranh ở khu vực Trung đông đã tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau dịch COVID-19....
Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tổng cầu thế giới suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%.
GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).
Cũng theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong tháng 12, cả nước có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,1% so với tháng trước và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 6.393 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 2,6% và tăng 4,7%; 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 15,7% và tăng 0,7%; 8.687 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 31,7% và tăng 48,6%; 1.866 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 29,3% và tăng 6%.
Tính chung trong năm 2023, cả nước có 217,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm trước; bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 172,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,5%; bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 cho thấy: Có 31,7% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2023 và dự kiến quý I/2024, có 31,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2023.
Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước, ở chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước. Cả năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD (năm trước xuất siêu 12,1 tỷ USD).
Về lạm phát và CPI, theo Tổng cục Thống kê năm 2023, CPI tăng 3,25%, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 12 tăng 3,58%. CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với quý IV/2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.