Ngân hàng Maybank phát hành báo cáo mới nhất về nền kinh tế Việt Nam với tiêu đề: "2Q GDP Outperforms, Raise 2024 GDP Forecast to 6,4%", tạm dịch là "GDP quý II tăng vượt trội, nâng dự báo GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,4%".
Theo đó, tăng trưởng GDP quý II tăng nhanh nhất trong 7 quý, đạt 6,9%, tăng 1% so với mức 5,9% đạt được ở quý I. Kết quả này vượt xa dự đoán 6,3% của Maybank. Tăng trưởng này được cho là chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Dịch vụ.
Cụ thể, tăng trưởng Dịch vụ ghi nhận tăng 7,1%, đây là mức tăng cao nhất trong 6 quý, do các lĩnh vực vận tải & kho bãi tăng 11,5%, dịch vụ lưu trú & ăn uống cũng tăng 11,3%, mức tăng đều ghi nhận cao hơn so với quý I/2024.
Tổng cục Thống kê cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ của Dịch vụ trong nửa đầu năm đến từ việc xuất khẩu Dịch vụ tăng 20%, dẫn đầu bởi sự phục hồi trong thương mại và du lịch.
Bệnh cạnh đó, ngành Sản xuất cũng ghi nhận tăng 10% với tăng trưởng xuất khẩu tăng 12,5%, ổn định so với mức tăng 16,7% ở quý I.
Tài chính cũng tăng 5,7%, trong khi Bất động sản tăng 3,1%, mặc dù sự phục hồi trong các lĩnh vực này vẫn tương đối chậm. Tăng trưởng tín dụng cũng tăng 4,5% tính đến ngày 24/6 (so với cuối năm 2023).
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng 10,9% vào tháng 6, mức tăng trưởng cao hơn tháng 5. Dẫn đầu là ngành máy tính & điện tử tăng 20,3%.
Xuất khẩu hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 2,6% so với tháng trước. Tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy bởi máy tính và điện tử (16,3%) và điện thoại và linh kiện (12,7%), mặc dù mức tăng trưởng ít hơn so với tháng trước do cơ sở so sánh cao hơn. Xuất khẩu máy móc và thiết bị liên quan cũng tăng 27,9%, trong khi tháng 5 là 26,5%.
Nhập khẩu giảm so với tháng trước (tăng 13,1% trong khi tháng trước là 25,7%), khiến cán cân thương mại phục hồi lên mức cao nhất trong 5 tháng với 2,94 tỷ USD (trong khi tháng 5 là -456 triệu USD).
Đầu tư nước ngoài phục hồi vào tháng 6, bất chấp những lo ngại về sự chậm trễ trong thủ tục phê duyệt hành chính. Sau ba quý liên tiếp giảm, cam kết FDI tăng 59,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cam kết sản xuất tăng 79%. Các dự án lớn đã khởi động trong tháng 6, dẫn đầu bằng cam kết đầu tư của Foxconn vào sản xuất các bo mạch in, thiết bị gia dụng thông minh và sản phẩm giải trí thông minh. FDI đã thực hiện trong tháng 6 cũng ghi nhận tăng 9,4%.
Về mặt tiêu dùng, tăng trưởng bán lẻ giảm nhẹ so với mức tăng của tháng trước, chỉ đạt 9,1%, chủ yếu do sự suy yếu trong du lịch và các dịch vụ khác. Bán hàng tăng 8,1%, giảm so với mức tăng 8,2% vào tháng 5. Trong khi đó dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng tăng 16,9%, ổn định so với mức tăng 17% trong tháng 5.
Bán lẻ trong 6 tháng đầu năm tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng trưởng bán lẻ thực tế lại tăng 5,7% giảm so với mức tăng 8,8% trong nửa đầu năm 2023, do lạm phát tăng cao.
Báo cáo cũng cho thấy, lạm phát chủ yếu duy trì ở mức cao, khoảng 4,34% vào tháng 6 (giảm nhẹ so với mức tăng 4,44% vào tháng 5), với giá cả tăng 0,17% so với tháng trước. Lạm phát vận tải tăng 3% (giảm so với mức tăng 5,6% vào tháng 5) do giá xăng dầu giảm, nhưng vẫn bị đẩy lên do lạm phát ở các danh mục khác tăng.
Lạm phát thực phẩm tăng 4,7% (trong khi tháng 5 là 4,5%) chủ yếu do giá thịt lợn tăng cao. Lạm phát nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 5,6%, do chi phí nước và điện cao hơn. Lạm phát y tế tăng 8% chủ yếu do tăng giá quản lý tại một số địa phương. Chi phí văn hóa, giải trí & du lịch cũng tăng 2,3% do giá du lịch tăng trong tháng nghỉ hè tháng 6.
Dựa trên các yếu tố trên, Maybank duy trì dự báo lạm phát năm 2024 của Việt Nam ở mức 3,7%, đồng thời dự báo áp lực giá có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới, do giá trị đồng tiền ngày càng mất giá. Ban điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cho biết, lạm phát trong nước có thể lan rộng hơn nếu áp lực tỷ giá kéo dài lâu hơn.
Từ các dữ liệu trên, các chuyên gia của Maybank nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,4%, từ mức 5,8% trước đó. Nhu cầu mạnh mẽ từ nước ngoài trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến sản xuất và thương mại như vận tải và kho bãi.
Sự đổ dồn của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang nâng cao năng lực sản xuất. Tiêu dùng hộ gia đình dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm. Nhu cầu tiêu dùng đã chậm lại, nhưng các hộ gia đình có thể lạc quan hơn khi nền kinh tế tăng tốc và chính sách hỗ trợ được duy trì (với việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng kéo dài đến tháng 12).
Hơn nữa, thị trường lao động đang dần cải thiện, với sự gia tăng trong việc làm (tăng 196 nghìn việc làm so với cùng kỳ năm trước vào Quý II; tương đương 0,4%) và thu nhập cũng tăng 7%).