Còn theo ADB, quy mô kinh tế Singapore trong năm nay dự kiến vẫn sẽ nhỉnh hơn khoảng 1 tỷ USD so với Malaysia, nhưng hai quốc gia này đều sẽ tiếp tục xếp sau Việt Nam trong năm 2021 này.
Dữ liệu về GDP 2020 của các quốc gia lấy từ IMF.
Thậm chí, ngay cả sau khi làn sóng Covid-19 thứ tư xảy ra, các dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vẫn cho thấy rằng, kinh tế Việt Nam sẽ không tụt hạng trong năm 2021.
Ngày 8/6, ra mắt báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2021 của Thái Lan xuống còn 2,2% (giảm 1,8% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2021).
Tại Indonesia, tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi trở lại 4,4% vào năm 2021 và tăng lên 5% vào năm 2022. Nhưng nhiều công việc trong các dịch vụ có giá trị thấp — chẳng hạn như thương mại, vận tải và dịch vụ sẽ không thể phục hồi nhanh chóng.
Ở Philippines, tăng trưởng GDP được World Bank dự báo là 4,7% vào năm 2021 và 5,9% vào năm 2022, với sản lượng dự kiến đạt mức trước đại dịch ở vào năm 2022.
Ở Malaysia, tốc độ tăng trưởng là dự kiến sẽ phục hồi lên 6% vào năm 2021, miễn là ổ dịch Covid-19 vẫn còn trong tầm kiểm soát và việc phân phối vaccine được đẩy mạnh.
GDP Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,6% trung bình vào năm 2021 và 2022, phục hồi về gần bằng mức tăng trưởng trước đại dịch. Báo cáo này không đề cập đến dự báo cụ thể cho Singapore.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn nắm giữ mức tăng trưởng kinh tế an toàn, đủ để duy trì vị trí thứ 4 về quy mô kinh tế trong khối ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan và Philippines. Chỉ có thứ hạng của Singapore đang có nhiều khả năng lung lay, tụt một bậc và đứng sau Malaysia.
Bên cạnh các tổ chức nói trên, Oxford Economics, HSBC cũng nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,4 %– 6,6%, mức này hạ so với các dự báo trước đó hồi cuối năm 2020, riêng Fitch Solutions dự báo ở mức 7%, ICAEW dự báo ở mức 7,6%.
S&P Global Ratings là tổ chức đưa ra dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay. Hồi tháng 10/2020, S&P dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức đáng kinh ngạc là 11,2%. Mới đây nhất, sau sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 thứ tư, tổ chức này điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống còn 8,5%, nhưng mức này vẫn cao hơn nhiều so với các dự báo khác.
IMF khuyến nghị Việt Nam đánh giá lại GDP
Gần nhất, IMF ước tính, quy mô GDP 2020 của Việt Nam đạt 340,8 tỷ USD (theo báo cáo tháng 4/2021).
Trong lần sang hỗ trợ vào năm 2019, ông Robert Dippelsman, Phó Trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay, IMF muốn Việt Nam có thể nắm bắt được tất cả các số liệu thống kê liên quan đến các doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài, mà trước đây có thể trong quá trình thống kê về GDP chưa tính được hết và chưa cập nhật được đầy đủ những số liệu này, để đảm bảo bao phủ 100% toàn bộ những hoạt động kinh tế ở Việt Nam.
Ông Robert cũng cho rằng, hiện nay việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết.
Trong khuyến nghị được đưa ra vào quý I/2021, IMF đã chỉ rõ, việc loại trừ một số hoạt động sẽ dẫn đến ước tính thiếu quy mô của nền kinh tế, có thể làm sai chệch tốc độ tăng trưởng GDP, và gây trở ngại cho so sánh quốc tế. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dịch vụ và thành tố phi chính thức của ngành này khiến Tổng cục Thống kê gặp nhiều thách thức trong công tác đo lường. Vì vậy, IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam thống kê tài khoản quốc gia toàn diện thêm một lần nữa.