Chạy đua sở hữu cổ phần Sotrans
Công ty Kho vận Miền Nam (Sotrans, HoSE: STG ) thông báo lấy ý kiến bằng văn bản thông qua chủ trương để Công ty Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL) mua cổ phần tăng tỷ lệ sở hữu mà không cần chào mua công khai.
Công ty ITL cho biết mảng kinh doanh logistics là hoạt động nòng cốt và quan trọng của doanh nghiệp. Với định hướng đó, ITL muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Sotrans lên tối đa 100% vốn từ mức 41,8% như hiện tại. Việc thực hiện có thể thông qua mua trực tiếp cổ phần đang được sở hữu bởi các cổ đông hiện hữu, và/hoặc gián tiếp bằng việc tăng sở hữu tại các công ty đang là cổ đông của Sotrans.
ITL đầu tư vào Sotrans từ khoảng tháng 9/2015 và sau đó liên tiếp tăng cổ phần nắm giữ lên gần 18% cuối năm 2016. Tại thời điểm này, Sotrans đón thêm cổ đông mới Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) với sở hữu gần 25% vốn.
Ngay sau đó, Gelex tiếp tục gửi đề nghị chào mua công khai thêm 22,3 triệu cổ phiếu STG. Hội đồng quản trị của Sotrans đồng ý phương án chào mua và Gelex chính thức trở thành công ty mẹ nắm trên 51% vốn Sotrans vào tháng 3/2017.
Cuộc chạy đua tăng sở hữu Sotrans vẫn tiếp diễn. Tháng 5/2017, công ty ITL mua thêm 7 triệu cổ phiếu và tiếp tục tăng sở hữu lên 41,8% vốn như hiện nay. Trong khi đó, Gelex nâng tỷ lệ sở hữu đến 54,8% và chuyển quyền sở hữu cổ phần về cho công ty con Gelex Logistics.
Diễn biến giá cổ phiếu STG. Đồ thị: VNDirect.
Cổ phiếu STG nổi sóng năm 2017 khi đạt đỉnh 35.000 đồng/cp với thanh khoản hàng trăm nghìn cổ phiếu cổ phiếu mỗi phiên. Tuy nhiên, cổ phiếu điều chỉnh về mức thấp sau đó và còn khoảng 17.000 đồng/cp.
Tổng sở hữu của 2 cổ đông lớn của Sotrans hiện đã chiếm 96,6% vốn điều lệ. Như vậy, việc chào mua đến 100% của ITL phụ thuộc rất lớn vào chuyện thương thảo với Gelex. Cũng lưu ý rằng 2 cổ đông lớn này chưa có mâu thẫu hay tranh chấp công khai, các quyết định chào mua cổ phiếu vẫn được hội đồng quản trị thực hiện đầy đủ.
ITL hiện có 70 văn phòng đại diện ở Đông Nam Á, khai thác hàng hóa cho 200 chuyến bay mỗi tuần, đội xe 180 đầu kéo container, hệ thống kho bãi 10 ha... Giám đốc Vận hành Amanda Rasmussen trả lời truyền thông rằng ITL sẽ đầu tư thêm 70 triệu USD trong năm 2020 để tăng cường vị thế tại Việt Nam và Đông Dương thông qua hoạt động M&A.
Trong khi đó logistics là một trong 4 mảng kinh doanh chính của Gelex thông qua công ty con 100% vốn Gelex Logistics. Gelex cho biết việc mở rộng sang mảng này là do nhu cầu logistics hàng năm rất lớn trong nội bộ các công ty thành viên, đón đầu xu thế tăng trưởng mạnh của ngành nhờ quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu của Việt Nam.
Theo Vietnam Report, miếng bánh thị phần ngành vận tải và logistics ở Việt Nam đang có sự cạnh tranh của khoảng 4.000 doanh nghiệp. Dù chỉ chiếm số lượng 12%, các doanh nghiệp FDI lại nắm 70-80% thị phần.
Những lợi thế của Sotrans
Giá cổ phiếu STG đạt đỉnh năm 2017 bên cạnh lực mua từ các cổ đông lớn còn đến từ yếu tố lợi nhuận cao bất thường. Công ty có lãi kỷ lục hơn 521 tỷ đồng năm 2017, gấp 5 lần năm trước nhưng chỉ đạt 85% kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do ghi nhận lợi nhuận bất thường khi công ty con Sowatco (SWC) thoái vốn khỏi dự án Saigon Center.
Trong bối cảnh thuận lợi của ngành logistics, doanh thu và lợi nhuận gộp của Sotrans vẫn tăng trưởng qua các năm. Tuy nhiên, yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp lại bất định chủ yếu do biến động của các khoản thu nhập bất thường.
Sotrans vẫn tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận gộp. |
Nhờ có vị thế lớn trong ngành logistics, không khó hiểu khi cả Gelex và ITL đều muốn sở hữu Sotrans. Sotrans được thành lập từ năm 1975 và cổ phần hóa vào năm 2007. Công ty hoạt động các lĩnh vực kho đa chức năng, kinh doanh xăng dầu, giao nhận vận tải quốc tế, khai thác cảng... Nhờ hoàn thiện chuỗi logistics, Sotrans hiện thuộc top 3 nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất của Việt Nam.
Thế mạnh của Sotrans là kinh doanh kho với hệ thống kho ngoại quan và kho chứa hàng đa chức năng hơn 230.000 m2 nằm tại trung tâm TP HCM, các khu vực lân cận và các khu công nghiệp tiếp giáp với sông Sài Gòn.
Ngoài ra, công ty còn các đại lý giao nhận vận chuyển tại hơn 100 quốc gia và 10 văn phòng đại diện cho giao nhận nội địa; khai thác 3 cảng chính với tổng diện tích 400.000 m2...
|
Các mảng kinh doanh lớn của STG. |
Sotrans sở hữu hệ thống thành viên đa dạng gồm 8 công ty con và 7 đơn vị liên doanh liên kết ở nhiều lĩnh vực.
Đáng kể nhất là Tổng CTCP Đường sông Miền Nam ( Sowatco ). Đây là đơn vị dẫn đầu về vận chuyển container, hàng rời trong các tuyến đường thủy tại miền Nam với đội tàu và sà lan 27 chiếc. Sowatco còn sở hữu cảng Long Bình diện tích 20 ha, cổ đông lớn của Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) và sở hữu hệ thống các bến phao cho tàu biển.
Các đơn vị thành viên của Sotrans. |
Sotrans còn sở hữu công ty Vận tải Đa phương thức Vietranstimex, đơn vị số 1 Đông Nam Á về vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng với năng lực 11.000 tấn tải trọng. Vietranstimex sở hữu các đội sà lan đường sông có trọng tải 400 – 2.000 DWT; hệ thống kho bãi tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi; mạng lưới hoạt động trên toàn quốc cùng Lào, Campuchia...
Sotrans nắm giữ 51% vốn Cảng Miền Nam, đơn vị sở hữu cảng Sotrans ICD với diện tích 10ha. Cảng này hoạt động vào năm 2010 với chiều rộng bờ sông 80 m, cầu cảng dài 412 m thông suốt sông Sài Gòn, nằm ở vị trí chiến lược tại TP HCM với khả năng xếp bãi 450.000 TEU/năm.