General Electric đã từng là một tập đoàn hùng mạnh khi nắm trong tay cả đài NBC, hãng phim Universal Studios, một công ty thiết bị khổng lồ và thậm chí là cả một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Thế nhưng, công ty giờ chỉ còn mang tính biểu tượng do Thomas Edison sáng lập nên này đang ngày càng "teo" lại. Và sự suy thoái này trở nên đáng báo động trong thời gian gần đây, khi GE đang chạy đua để gia tăng lợi nhuận, cắt giảm "núi" nợ và lấp đầy "cái hố khổng lồ" trong quỹ lương hưu của mình.
Không một mảng kinh doanh nào của GE tỏ ra "bất khả xâm phạm", đặc biệt khi giá cổ phiếu của tập đoàn này đã mất một nửa giá trị chỉ trong hai năm qua. Thậm chí cả những mảng kinh doanh đã từng là "nhân vật chính" trong lịch sử đáng tự hào của GE, mảng đường sắt 111 năm tuổi và mảng kinh doanh bóng đèn của Edison, cũng đang được rao bán. Chuyên gia phân tích Robert McCarthy của Stifel gọi đây là thước phim quay chậm về sự đổ vỡ của một tượng đài.
Vào những năm 1980 và 1990, CEO huyền thoại Jack Welch đã biến GE thành một tập đoàn phức tạp và khổng lồ nhất hành tinh. Thế nhưng giờ đây, CEO John Flannery, đang nỗ lực sửa chữa công ty này bằng cách làm chính xác những điều ngược lại với Jack Welch. GE của hiện tại muốn dồn lực vào những thứ mà tập đoàn này làm tốt nhất, đò là xây dựng nhà máy phát điện, sản xuất động cơ máy bay và các sản phẩm chăm sóc y tế như máy MRI.
Mua giá cao, bán giá thấp
GE kỳ vọng sẽ sử dụng số tiền thu được từ các thương vụ bán tài sản này để sửa chữa bảng cân đối kế toán đang bị đè nặng bởi nợ sau nhiều năm liên tiếp mắc phải những thương vụ M&A tính toán sai thời điểm.
Tuy nhiên, ông Scott Davis, CEO của Công ty nghiên cứu Melius Research cho rằng GE là hiện thân cho việc mua với giá cao và bán lại với giá thấp. Khối nợ của GE, bao gồm cả những nghĩa vụ trả tiền lương hưu, đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2013, theo các tính toán của Moody's. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của GE lại ngày càng sa sút, khiến tập đoàn này khó khăn hơn trong việc trả nợ.
Khối nợ khổng lồ và lợi nhuận sụt giảm đã buộc GE hồi năm ngoái phải cắt giảm cổ tức đi một nửa. Đây là lần thứ hai GE phải dùng đến biện pháp này kể từ cuộc Đại suy thoái. Những người đầu cơ giá xuống ở Phố Wall cảnh báo rằng GE có thể sẽ cần phải cắt giảm cổ tức thêm nữa nếu tập đoàn này không thể sớm lật ngược tình thế.
Ngân hàng suýt nữa đã "giết chết" GE
GE được biết đến như một "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp, nhưng tập đoàn này còn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng. Hai vị cựu CEO của GE là Jack Welch và Jeff Immelt đã gây dựng GE Capital trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Chiến lược này vẫn hoạt động tốt cho đến khi cuộc khủng khoảng tài chính tồi tệ nhất từ thời Đại suy thoái diễn ra.
Giá cổ phiếu của GE lao dốc trong cuộc khủng hoảng năm 2008 vì Phố Wall "hành xử" với GE như là một ngân hàng chứ không phải là một công ty công nghiệp. GE đã có thể "thiệt mạng" nếu chính phủ liên bang và tỷ phú Warren Buffett không lao vào giải cứu. Tính ra, khối tài sản của GE Capital đã "bốc hơi" đến 75% kể từ đầu năm 2013.
Bảo hiểm cũng là một lĩnh vực mà GE phải nếm trái đắng. Năm 2004, "ông lớn" này đã thành lập công ty bảo hiểm Genworth Financial trong một thương vụ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) huy động được hàng tỷ USD. Theo đó, GE đã nhất trí đảm bảo cho dịch vụ bảo hiểm chăm sóc dài hạn của Genworth. Nhưng 10 năm qua, chi phí chăm sóc y tế tăng mạnh và tuối thọ của con người gia tăng đã khiến cho việc đầu tư vào mảng bảo hiểm của GE "lao đao".
Hồi tháng 1, GE khiến phố Wall và các nhà quản lý bị sốc khi thông báo lỗ 6,2 tỷ USD trong mảng bảo hiểm và cảnh báo sẽ phải bơm thêm 15 tỷ USD vào mảng này. Tin tức ngay lập tức khiến cổ phiếu GE lao đao và Ủy ban chứng khoán Mỹ vào cuộc điều tra.
Đau lòng bán đi những biểu tượng
Không những vậy, GE cũng phải nói lời tạm biệt với nhiều mảng kinh doanh đã làm nên tên tuổi của tập đoàn này. GE Transportation là một trong những nhà sản xuất động cơ xe lửa lớn nhất Bắc Mỹ. Tuy nhiên, để góp phần bù đắp cho những thua lỗ trong mảng bảo hiểm và để giải quyết các vấn đề khác, GE gần đây đã đạt được một thỏa thuận trị giá 11 tỷ USD để "thoát li" khỏi mảng vận tải này. Một khi được hoàn tất, thỏa thuận nói trên sẽ chấm dứt 111 năm "chạy trên đường ray" của GE.
Năm 2016, "ông lớn" lừng lẫy một thời này cũng phải "ngậm ngùi" bán lại mảng kinh doanh thiết bị (lò vi song, tủ lạnh và máy giặt) cả trăm năm tuổi của mình cho công ty Haier của Trung Quốc với giá 5,6 tỷ USD.
Hàng chục năm qua, GE cũng là một cái tên lớn trong lĩnh vực truyền thông. Lịch sử đáng tự hào này bắt đầu từ những năm 1890, khi Edison phát minh ra máy quay phim. Sau đó, GE là "người tiên phong" trong cả radio và TV.
GE tiếp quản công ty phát sóng truyền hình Mỹ NBC vào năm 1986 và hãng phim Universal Pictures vào năm 2004. NBCUniversal đã từng là một trong những công ty truyền thông quyền lực nhất thế giới. Thế nhưng, sau cuộc khủng hoảng tài chính, GE quyết định rút khỏi ngành truyền thông thông qua một loạt thương vụ với Comcast, qua đó chính thức "dứt tình" với NBCUniversal vào năm 2013.
GE vẫn chưa dừng việc cắt bớt đi những bộ phận đã từng được cho là làm nên tên tuổi cho tập đoàn này, và nạn nhân tiếp theo có thể là mảng sản xuất bóng đèn do chính Edison sáng lập. Vấn đề là mảng kinh doanh này đã không còn sinh lời được nữa, và trên thực tế, GE đã "vật vã" suốt gần một năm qua để tìm kiếm người mua lại nó.
Biến động giá cổ phiếu GE từ năm 2000 đến nay.
Tất nhiên, GE cũng phần nào gây dựng thêm cho đế chế của mình trong những năm qua, thông qua các thương vụ thành công. Trong đó phải kể đến là một loạt các thương vụ thâu tóm dưới thời của cựu CEO Immelt đã biến mảng kinh doanh trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của GE trở thành người dẫn đầu trong ngành này. Doanh thu của GE Aviation đạt 27 tỷ USD trong năm ngoái.
Tuy nhiên, không phải thương vụ nào cũng đem lại trái ngọt như vậy. Ngược lại, thương vụ mua lại mảng sản xuất điện của Alstom với giá 9,5 tỷ USD năm 2015 lại là một thảm họa. Thương vụ thâu tóm lớn nhất của GE trong lĩnh vực công nghiệp này đã đưa GE dấn thân sau hơn vào mảng kinh doanh nhiên liệu hóa thạch, giữa lúc mà năng lượng tái tạo bắt đầu giành giật thị phần.
Flannery đã từng cam kết sẽ tiếp tục "tỉa lông" cho GE để tập trung nguồn lực vào các mảng chăm sóc y tế, năng lượng và hàng không. Vị CEO thậm chí còn không giấu ý định xem xét việc chia tách tập đoàn này.
GE lâu nay vẫn "úp mở" khả năng bán cổ phần đa số của mình ở công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Ông Davis dự đoán rằng GE sẽ rời bỏ Baker Hughes, và thậm chí còn có thể "quay lưng" với các mảng chăm sóc y tế và năng lượng của mình. Và cuối cùng thì có thể GE sẽ chỉ hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ mà thôi.