Chuyên gia Phan Lê Thanh Toàn, người đã có hơn 20 năm trong lĩnh vực tư vấn tài chính và từ đảm nhiệm qua các vị trí lãnh đạo cao cấp của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực tài chính bảo hiểm như AIA, Prudential và Dai-ichi cho biết, "việc cố gắng sở hữu nhà phần lớn là do tư duy Á Đông: "An cư mới lạc nghiệp", thực tế phải đi thuê nhà để ở cũng không thành vấn đề".
Đừng cố gắng sở hữu một bất động sản khi còn trẻ
Ở các quốc gia khác, có rất nhiều người trẻ vẫn không phải mua nhà. Thậm chí cả ở những nền kinh tế phát triển, người dân vẫn ở nhà thuê. Nếu cứ đổ xô vào bất động sản, các bạn trẻ sẽ không đủ nguồn lực để đầu tư phát triển bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân, nâng cấp về kiến thức và đặc biệt là kỹ năng.
Chuyên gia khuyến nghị, chính phủ cần phải có các chính sách như an sinh nhà ở, thuế tài sản và các chủ trương để bình ổn thị trường bất động sản, nâng cao khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.
Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải tự mình nâng cao thu nhập, không thể chỉ làm một công việc 8 tiếng 1 ngày và cứ mãi ở mức thu nhập 5-10 triệu. Ở các quốc gia khác, một người vẫn phải làm rất nhiều đầu việc và làm hơn 8 tiếng/ngày.
"Tuy nhiên, không nhất thiết bạn phải có một công việc để làm thêm và có thu nhập phụ trội. Bạn vẫn có thể học để có thêm nghề đầu tư, nghề cố vấn tài chính. Như Gen Y và Gen z ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây, nghề đầu tư cũng được xem coi như là một nghề tay trái. Bằng chứng cho thấy tỷ lệ nhà đầu tư tại các nước này rất cao nên họ chê không làm những nghề liên quan đến chân tay nên nhường lại nghề chân tay cho dân nhập cư", Ông Toàn cho biết.
Hiện tại, điều kiện của giới trẻ là tốt hơn rất nhiều so với các thể hệ trước, các bạn có thể tiếp cận rất nhiều nguồn tri thức trên môi trường mạng, dễ dàng nghe được các podcast, hay đọc các bài viết từ các chuyên gia đầu ngành bất kể thời gian và khoảng cách địa lý.
Không nên học các khoá làm giàu và truyền động lực bởi những khoá này không mang lại nhiều tác dụng cho số đông. Thay vào đó, nên dành tiền để học những khoá học như quản lý tài chính thông minh, học để xây dựng thương hiệu cá nhân, học cách truyền thông, học những kỹ năng mềm để áp dụng và có tính ứng dụng cao trong công việc và cuộc sống.
(Chuyên gia Phan Lê Thanh Toàn)
Bảo hiểm nhân thọ, có cũng được không có cũng "chưa" sao
Về vấn đề bảo hiểm, "Bảo hiểm nhân thọ là bạn là bè, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là cha là mẹ, có tiền và sức khỏe thì bạn bè chơi với mình, còn ít tiền, sức khỏe cũng lại không thì vòng tay cha mẹ luôn chờ đón", chuyên gia cho biết.
GenZ và Gen Y không cần phải quá áp lực về việc bắt buộc sở hữu cho mình một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trừ khi đang phải có trách nhiệm với những người phụ thuộc vào nguồn thu nhập duy nhất của bạn đang có (có thể là bố mẹ già hay con cái).
Nếu thu nhập vẫn không đủ cho việc chi tiêu hàng ngày và có tích luỹ một, chuyên gia khuyến nghị, người trẻ tốt nhất là đi làm cho những doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội và y tế, đừng ngại thắc mắc về phúc lợi này, vì đây là thứ phải đảm bảo có khi bạn đi làm việc cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải nhận thức được một điều, bạn không có tích luỹ khi đi làm đồng nghĩa với bạn cũng đang có những vấn đề về tài chính cần được giải quyết.
Khác với bảo hiểm nhân thọ, phải thẩm định cả về điều kiện sức khỏe lẫn tài chính, các phúc lợi xã hội về y tế chỉ yêu cầu người tham gia đóng một khoản phí nhỏ và chỉ sau một thời gian ngắn là có thể dùng được ngay.
Đối với những người đã sẵn sàng sở hữu một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh kênh phân phối truyền thống, hiện nay còn có kênh ngân hàng để các khách hàng dễ tiếp cận hơn.
Tuy nhiên, vì mới phát triển trong những năm gần đây, kênh ngân hàng vẫn có những bất cập. Chẳng hạn như tình trạng "ép" mua bảo hiểm. Theo chuyên gia chia sẻ, có tình trạng vay 500-600 triệu nhưng ép mua hợp đồng bảo hiểm đến 50 triệu.
Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những văn bản quyết liệt chấn chỉnh tình trạng này. Theo đó, các chỉ đạo nhấn mạnh đến việc tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm.
Theo chuyên gia, bên cạnh sự nỗ lực từ cơ quan quản lý, các ngân hàng cũng phải thay đổi, giải quyết từ căn nguyên vấn đề. Theo đó, việc "ép" là do các nhân viên không đủ năng lực nói cho các khách hàng hiểu về quyền lợi của họ khi tham gia bảo hiểm.
Chuyên gia đưa ra khuyến nghị, các ngân hàng nên tăng cường đào tạo cho nhân sự, nếu không về lâu về dài uy tín ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các chuyên viên tư vấn bảo hiểm cũng cần phải kiên nhẫn, cố gắng thuyết phục khách hàng, giúp khách hàng hiểu rõ về quyền lợi khi tham gia sản phẩm, tránh để tình trạng mua khi thiếu hiểu biết hay mua vì "ủng hộ".
Về phía khách hàng, nên thống nhất trước với nhân viên tín dụng là sẽ không mua bảo hiểm và hoặc có thể thoả thuận với ngân hàng được giảm lãi suất tương ứng với thời hạn đóng phí bảo hiểm.
Nếu không thỏa thuận được, các khách hàng vẫn có thể tìm đối tác khác để vay. Hiện nay, vẫn có nhiều bên cho vay mà không cần phải mua bảo hiểm. Chẳng hạn như các ngân hàng nước ngoài, vừa không phải mua bảo hiểm, lãi suất lại thấp.
Triển vọng của ngành bảo hiểm là vẫn còn rất lớn, Việt Nam cũng đã có những bước tiến rất tích cực trên chặng đường này, chẳng hạn như phổ cập được bảo hiểm y tế lên đến 85% dân số. Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ sở hữu bảo hiểm nhân thọ chỉ khoảng 12%, vì thế dư địa phát triển lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ vẫn còn nhiều.
(Mô hình tháp tài sản, nguồn: chuyên gia cung cấp)