Trung Quốc là một trong những “vựa trà” lớn và chất lượng nhất thế giới. Với những người say mê trà, trà Long Tỉnh Tây Hồ là một trong những thức trà ngon và đắt nức tiếng. “Đệ nhất làng trà” ở khu danh thắng Tây Hồ, Hàng Châu là nơi chuyên nuôi trồng và chế biến nên món đặc sản mỹ vị này.
Trà Long Tỉnh Tây Hồ – đặc sản mỹ vị trong mắt những người yêu trà
Từ tháng ba năm nay, các diễn đàn mua bán online tại Trung Quốc đã bắt đầu triển khai dịch vụ đặt mua trà Long Tỉnh mới, chủ yếu là những loại bình dân có giá từ 100 – 1.000 NDT/kg (363.000 – 3,6 triệu đồng). Nếu muốn mua trà Long Tỉnh chất lượng cao, người tiêu dùng có thể tìm đến những cửa hàng bán trà đã có thương hiệu. Theo ghi nhận của phóng viên, loại trà “Núi Sư Phong đầu mùa” có giá 8.800 NDT/150g (~32 triệu đồng). Loại “Minh Tiền đầu mùa” có giá 9.800 NDT/100g, tương đương 98.000 NDT/kg (~355 triệu đồng). Tuy đắt đỏ là vậy nhưng đã có tới hàng chục khách đặt mua loại trà này.
Đồi chè bát ngát tại “Đệ nhất làng trà”
Ở Trung Quốc hiện nay có 3 khu trồng trà chính, gồm có Tây Hồ, Tiền Đường và Việt Châu. Trong đó, chỉ có trà ở khu Tây Hồ rộng 168km² mới được gọi là “Long Tỉnh Tây Hồ” chính thống. Khu này lại chia tiếp thành các khu nhỏ: Khu 1 gồm có Sư Phong, Mai Gia Ổ; khu 2 gồm có Long Ổ, Chuyển Đường. Loại trà trồng trên núi Sư Phong là hảo hạng nhất.
Để gia tăng sản xuất, một số hộ còn thuê thêm nhân công từ bên ngoài
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như vị trí, địa hình, yếu tố thời tiết mà trà Long Tỉnh ở từng khu vực trên núi sẽ cho ra chất lượng khác nhau. Người dân ở đây ngoài cung cấp trà cho các đại lý lớn còn tự mình bán lá trà. Những hộ có nhiều “mối lấy hàng” hoặc nhà ở ngay sát đường đi sẽ tiêu thụ được nhiều trà hơn. Dù vậy, đại đa số người dân đều khó bán được lá trà với giá cao. Vì vậy, một số người đã trực tiếp bán lá trà tươi cho điểm thu mua để đỡ phải gia công.
Để gia tăng sản xuất, một số hộ còn thuê thêm nhân công từ bên ngoài. Ông Dư – một người dân ở đây mỗi năm đều thuê người hái trà từ Giang Tây, Cù Châu, bao ăn ở và cả tiền đi lại. Trung bình chi phí mất 20.000 NDT/năm (~72 triệu đồng). Một số hộ thì bận rộn việc gia đình, nhân lực kém nên năng suất lao động giảm sút rõ rệt. Vậy là họ cũng tính đến việc bán lá trà tươi cho các điểm thu mua.
Các doanh nghiệp thu mua trà cũng là nơi đảm bảo đầu ra cho các hộ dân, nhưng cái giá họ đưa ra lại khá thấp. Chẳng hạn như trà “Xuân Phân Minh Tiền” bán cho doanh nghiệp sẽ có giá thấp hơn 200 NDT so với bán cho khách lẻ. Trà Long Tỉnh hiện tại đang là trà đầu mùa – giai đoạn trà ngon nhất và cũng có giá nhất. Chị Dương – một nông dân trồng trà chia sẻ, giá trà sau tiết Thanh Minh sẽ giảm khoảng 1/3 tới ½ so với hiện nay.
Nếu tới “Đệ nhất làng trà” vào thời điểm này, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng người dân nơi đây sao khô trà thủ công. Họ đeo bao tay và sao khô trà trên chảo gang lớn. Sau 5 phút, lá trà đã được nấu xong.
Nếu tới “Đệ nhất làng trà” vào thời điểm này, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng người dân nơi đây sao khô trà thủ công
Theo bí quyết của họ “Quan trọng nhất là tay phải thao tác nhẹ nhàng và kiểm soát tốt nhiệt độ”. Họ thường sao khô trà từ tháng 3 đến tháng 4 mỗi năm. Những lúc bận rộn, họ sẽ phải làm 12 tiếng/ngày, đối mặt với lò lửa nóng hừng hực và thường xuyên bị rộp tay, chai tay. Việc sao khô cũng rất phức tạp, bao gồm tất cả 10 công đoạn. Mức lương của công việc này rơi vào khoảng 10.000 – 50.000 NDT tùy vào trình độ kỹ thuật của người làm. Một cuộc thi sao khô trà cũng được tổ chức tại Mai Gia Ổ trong năm nay.