Việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm vẫn diễn ra thuận lợi tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội).
Nguồn gà, vịt dồi dào
Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 16, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc để khống chế dịch bệnh Covid-19, chúng tôi ghi nhận thấy nhu cầu mua sắm thực phẩm tại các chợ, siêu thị ở Hà Nội đã tăng nhanh chóng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Thanh Bình - Trưởng Ban quản lý Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Hà Nội) cho biết, so với mọi ngày, chiều nay 31/3 nhu cầu mua gà, vịt có chiều hướng tăng cao hơn so với mọi ngày nhưng tại chợ không xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng.Hiện, trung bình mỗi ngày nguồn hàng gà, vịt về chợ Hà Vỹ dao động ở mức trên dưới 40 tấn.
"Lượng hàng về chợ dù có giảm nhẹ nhưng số đầu gà, vịt trong dân vẫn rất dồi dào. Dù người tiêu dùng muốn mua bao nhiêu các tiêu thương ở đây cũng sẽ cung cấp đủ, thoải mái", ông Bình khẳng định.
Theo ông Bình, giá gia cầm hôm nay 31/3 vẫn chưa có biến động nhiều. Cụ thể, giá vịt thương phẩm dao động ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg; gà mía Sơn Tây bán được với giá trên dưới 90.000 đồng/kg; gà Dabaco bán hàng đầu đạt giá từ 43.000 đồng đến 45.000 đồng/kg; ngan thịt có giá từ 45.000 đồng đến 65.000 đồng/kg, tùy loại non, già...
Ông Bình cho biết thêm, sau khi nhận được thông báo của người đứng đầu Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội 15 ngày để phòng, chống dịch Covid-19 các thành viên trong ban quản lý chợ rất đồng tình và ủng hộ.Để tránh có sự hiểu lầm, hiểu sai thông tin cách ly phòng, chống dịch bệnh, các thành viên trong ban quản lý chợ Hà Vỹ đã nhanh chóng thông tin đến từng tiểu thương và các khách hàng ở chợ để mọi người yên tâm trao đổi, mua bán gà, vịt bình thường.
"Là chợ đầu mối buôn bán, trao đổi gia cầm lớn nhất ở miền Bắc, chúng tôi cam kết sẽ mở cửa 24/24 để phục vụ nhu cầu tiêu thụ, tiêu dùng gà, vịt, ngan của người dân", ông Bình khẳng định.
Nói thêm về công tác phòng dịch tại chợ, ông Bình cho hay: Hiện, các công tác phun tiêu độc, khử trùng, kiểm soát thu y, nguồn gốc hàng hóa tại chợ Hà Vỹ vẫn được đảm bảo, xử lý rất nghiêm ngặt.
"Những ngày này những ai vào chợ đều phải đeo khẩu trang, sát trùng theo quy định. Nếu ai vi phạm sẽ không được vào chợ mua, bán hàng", ông Bình nói.
Dù có thông tin cách ly phòng dịch nhưng bà Phạm Thị Chúc, một thương lái thu mua gia cầm ở Vĩnh Phúc vẫn tỏ ra bình thản. Thay vì đưa xe đến các trại săn hàng như các năm trước thì những ngày này bà Chúc chỉ việc ngồi nhà lướt facebook tìm nguồn hàng tốt, rẻ để đặt, đưa về bán.
"Thời điểm này, gà, vịt trong dân còn rất nhiều, chưa kể các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi lớn lượng hàng còn nhiều vô kể nên chúng tôi không lo thiếu hàng mà việc cần làm lúc này là tìm được gà, vịt ngon mới dễ bán", bà Chúc bộc bạch.
Khách hàng thoải mái lựa chọn, mua hàng tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Bình Lục (Hà Nam).
"Chợ lợn" lớn nhất miền Bắc hoạt động bình thường
Theo Ban quản lý Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Bình Lục (Hà Nam), hôm nay 31/3, lượng lợn về chợ còn khoảng trên dưới 200 con, lượng khách và lái buôn đến giao dịch đã giảm nhiều so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Thế Chinh, Ban Quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Bình Lục cho biết, dù lượng hàng về chợ có giảm, khách và các lái đến chợ giao dịch ít hơn nhưng mọi việc mua, bán vẫn diễn ra bình thường.Bên cạnh đó, giá lợn hơi loại 1 đang được các thương lái bán tại chợ khoảng từ 71.000 đồng đến 74.000 đồng/kg. "Những ngày tới chúng tôi vẫn mở cửa cho bà con giao dịch, mua bán hàng bình thường", ông Chinh nói.
Đại diện một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội cho biết: Người dân không nên hoảng sợ, hoang mang lo lắng quá mức, siêu thị đã cam kết đảm bảo nguồn hàng, nhu yếu phẩm cho mọi người. Vì vậy, chúng ta không nên mua hàng dự trữ, gây bất ổn thị trường trong giai đoạn hiện nay. Việc đáng làm nhất trong lúc này là phải bình tĩnh và hành xử có lý trí.
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, hiện Bộ NNPTNT đang tập trung các giải pháp để tăng nguồn cung thịt lợn, trong đó có đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn, nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và hạ nhiệt giá thịt lợn xuống.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, đến nay 99% số xã bị dịch cả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh dịch mới. Với gần 110.000 con lợn giống ông, bà, cụ, kỵ cùng khoảng 2,62 triệu con lợn nái, cùng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng được phổ biến nhân rộng và siết chặt… là nền tảng giúp quá trình tái đàn, tăng đàn trong giai đoạn đới.
"Năm nay cả nước sẽ phấn đấu 3,9 triệu tấn thịt lợn. Trong đó quý I/2020 khoảng 810.000 tấn, quý II/2020 là 950.000 tấn, quý III là hơn 1 triệu tấn và quý IV gần 1,1 triệu tấn. Nếu theo tính toán như vậy, đến cuối quý II, đầu quý III cơ bản đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu thịt lợn", ông Tiến chia sẻ.
Các gian hàng bán thịt gia cầm, thịt lợn tại các chợ dân sinh ở các tỉnh, thành vẫn hoạt động bình thường.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chưa bao giờ Việt Nam có quy mô đàn gia cầm lớn như hiện nay, với gần 500 triệu con. Sắp tới, để giảm bớt rủi ro cho người chăn nuôi, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm.
Cụ thể, Bộ sẽ điều chỉnh giảm sản lượng thịt gia cầm các loại từ 16,5% xuống dưới 10%, trứng từ 14% xuống 9-10% và đặc biệt là điều chỉnh chu kỳ sản phẩm giảm cao điểm vào các tháng mùa nóng (tháng 5-8), nhằm tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho rằng: Dù dịch Covid-19 khiến sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện gian khó cả về thị trường tiêu thụ lẫn thời tiết. Nhưng qua 2 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng cao với “năng lực sản xuất lớn chưa từng có”. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, cả nước gieo cấy được trên 3 triệu ha lúa đông xuân với sản lượng ước đạt khoảng 20,3 triệu tấn; gieo trồng được 185.300 ha ngô. Diện tích trồng rau, đậu các loại cũng đạt 428.900 ha, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019. Ở lĩnh vực chăn nuôi, nếu so sánh cùng kỳ năm ngoái, tổng đàn bò tăng 2,4%; đàn gia cầm tăng mạnh và hiện có khoảng 500 triệu con, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành chăn nuôi là chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi cũng đang trên đà hồi phục, đàn lợn tăng mạnh khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Ở ngành thủy sản, tổng sản lượng ước đạt 1,02 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. “Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp sau 2 tháng đầu năm vẫn đạt 5,34 tỉ USD dù chịu tác động khá mạnh của dịch Covid-19. Sức sản xuất của các ngành đang tăng cao nên người tiêu dùng không lo lắng thiếu lương, thực thực phẩm, dù trong dịch Covid-19 hay bất cứ hoàn cảnh nào”, ông Việt khẳng định. Nhận định về ngành nông nghiệp trong năm nay, ông Việt cho rằng, dự báo chăn nuôi sẽ là điểm sáng, cứu cánh cho toàn ngành. Dự kiến, tổng sản lượng thịt các loại trong năm nay đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,35% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng thịt lợn ước đạt 3,95 triệu tấn; thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, thịt trâu đạt 98.500 tấn; thịt bò ước đạt 365.000 tấn; sữa đạt 1,15 triệu tấn, trứng đạt khoảng 14,6 tỉ quả. “Với sức chăn nuôi, sản xuất như hiện nay, Bộ NNPTNT đảm bảo cung cấp đủ thịt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước”, ông Việt nhấn mạnh. |