Trong chuỗi giá trị toàn cầu, đừng cố một mình làm ra 100%, ai làm được gì giỏi thì cho họ làm. Mỹ là quốc gia nổi tiếng về bông, Châu Phi trồng điều... Đừng quá đặt nặng vấn đề sản phẩm đó phải có nguồn gốc hoàn toàn ở Việt Nam.
Đó chính chia sẻ của bà Bùi Kim Thuỳ, Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, chia sẻ tại Toạ đàm: "Thế nào là Made in Vietnam" diễn ra ngày 17/7.
Tại toạ đàm, bà Bùi Kim Thuỳ cho biết, mọi người vẫn thường quen với việc ghi "Made in…" nhưng thực tế chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã rất đầy đủ cho phép doanh nghiệp sản xuất "Made in the world" vì vậy đừng lấy "Made in Vietnam" ra để đong đếm lòng yêu nước.
Theo bà Thuỳ, với bất kỳ một quy tắc xuất xứ nào thì để quy định công đoạn gia công trên lãnh thổ một quốc gia, một vùng thì hoàn toàn có thể ghi Made in… hay Assembled…tại nơi đó.
Tại Việt Nam vẫn đề cao tính tự nguyện trong việc ghi xuất xứ hàng hoá bởi nếu quản lý chặt nhiều ngành hàng chết hay lỏng lẻo thì rủi ro là có nhiều ngành. Quan điểm bà Thuỳ là có mặt hàng giá trị gia tăng ít nhưng doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội để làm ra nhãn hiệu bán nhanh, nhiều, giá rẻ nên cần đặt ra quy tắc xuất xứ như thế nào đừng quá quan trọng có bao nhiêu nguyên liệu đến từ đâu mà cần nhớ công đoạn gia công cuối cùng là ở Việt Nam.
Theo bà Thuỳ, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đều quy định xuất xứ rất linh hoạt, gần như cho phép toàn bộ nguyên liệu có thể nhập ở bên ngoài, thậm chí cho nhập từ bất kỳ đâu với hàng điện tử, ôtô, máy móc, động cơ được kết nối từ hàng trăm linh kiện rời khác nhau, chỉ cần chứng minh mã HS đã được chuyển đổi.
Lấy một dẫn chứng về một sản phẩm điều của một doanh nghiệp trong nước, bà Thuỳ cho biết, chủ doanh nghiệp này đã lấy giống tốt nhất ở Bình Phước, đưa các nhà khoa học ở Việt Nam sang Thái Lan lấy giống tốt nhất ở đây ghép, đưa vào phòng thí nghiệm phối và sinh ra cây con, cây con tốt nhất trồng ở Campuchia. Khi thu hoạch điều, điều thô từ Campuchia sẽ được chuyển về nhà máy ở Bình Phước làm công đoạn rang, chế biến, bóc tách và phân loại điều to nhỏ, thành phẩm cuối cùng đang bán ở Việt Nam.
"Sảm phẩm này là sản phẩm gì? Công đoạn cuối cùng diễn ra ở Việt Nam là rang ở Bình Phước còn cây điều trồng ở Campuchia, giống bố mẹ ở phòng thí nghiệm Thái Lan, nhưng hàm lượng chất xám này nhiều và là của người Việt Nam, không thể lượng hoá được đối với sản phẩm này", bà Thuỳ nói.
Bà Thuỳ cho biết, Việt Nam hiện nay là quốc gia xuất khẩu điều nhưng 50% nhập khẩu từ châu Phi, cũng giống như Mỹ có thế mạnh trồng bông, Trung Quốc là công xưởng các sản phẩm linh kiện, điện tử giá rẻ.
Trước đó khi chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho biết, với đặc thù của chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp nhiều khi nhập hàng nghìn chi tiết, linh kiện từ khắp nơi trên thế giới nên không dễ xác định xuất xứ. Do đó, nhiều nhà sản xuất sẽ ghi là "Made by Samsung" hoặc "Made by Nokia", tức ghi thông tin sản xuất bởi chính tên hãng đó. Đó là cách ghi trung thực, thể hiện thông tin như "được sản xuất tại…", "được sản xuất bởi…", hoặc "lắp ráp bởi"…
"Rõ ràng với dây chuyền sản xuất hiện đại với chuỗi cung ứng toàn cầu trải dài nhiều nước, rất khó xác định xuất xứ chính xác cho sản phẩm. Nên các nước cho phép doanh nghiệp được thông tin phù hợp nhất với đặc thù sản xuất", ông Khánh nói.
Thứ trưởng Khánh tiết lộ, Bộ Công Thương đã xây dựng một bộ quy định về việc thế nào thì được coi là "Sản xuất tại Việt Nam", để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Dự thảo sắp công bố và chuẩn bị lấy ý kiến nhân dân.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) cho biết, chưa có khái niệm cụ thể thế nào là "Made in Vietnam" và cho hay khái niệm "made in" gắn kết chặt chẽ với quy tắc xuất xứ của sản phẩm nhưng cũng được áp dụng khá linh hoạt.
Bà Hương cũng nhấn mạnh người tiêu dùng bị tác động về chất lượng hàng hoá mạnh hơn xuất xứ của sản phẩm. "Chúng ta mua một đôi giày Nike hay Addidas, người dùng thường là mua thương hiệu hơn là xác định sản phẩm đó được sản xuất ở đâu vì với với xu hướng sản xuất toàn cầu điều đó không còn quan trọng", vị chuyên gia cho biết.