Lạm phát đang là vấn đề nhiều nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt, đặc biệt là các nền kinh tế lớn có liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine như EU, Mỹ, Anh... Lạm phát ở nhiều nơi đã đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở trong nước, đến nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt lạm phát. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu liên tục tăng cao đã và đang là thách thức rất lớn.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng có tới 9 lần tăng giá kéo theo nhiều loại thực phẩm, hàng hóa, giá cước vận tải đồng loạt tăng theo.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng có tới 9 lần tăng giá. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc lớn vào giá xăng dầu thế giới. Trong khi bình quân trong 5 tháng đầu năm nay, giá dầu trên thế giới đã tăng 60% so với cùng kỳ năm2021.
Theo tính toán, nếu xăng dầu tăng 10% thì lạm phát sẽ tăng 0,36 điểm % và kịch bản tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm %. Giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng…, từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế.
Bình quân 4 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu đã tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, tức là chiếm tới 1,76 điểm % trong mức lạm phát bình quân 2,1% của 4 tháng này.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
"Nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa ở trong nước và tác động tiêu cực đến tăng trưởng nền kinh tế và tác động vào chỉ số giá tiêu dùng CPI", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, cho biết.
Hiện Bộ Công Thương đã lên kịch bản tháng, quý để điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu, dự trữ luôn ở mức 20% so với bình thường. Trong các loại thuế tính giá cơ sở để bán lẻ xăng dầu có thuế suất bảo vệ môi trường được giảm 50% từ đầu tháng 4 vừa qua.
"Bộ cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay thuế MFN, tức là mức thuế tối huệ quốc, với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%, nhưng mức giảm thế nào cũng phải tính để có thể hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước, đồng thời giữ tỷ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung, nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường FTA với các thị trường có mức thuế MFN", ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho hay.
Kiểm soát lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu
Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay đã được đề ra là dưới 4%. Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt, dù sức ép là rất lớn. Ngoài nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới có xu hướng tăng giá, sau dịch bệnh, tổng cầu tăng cao cũng khiến giá cả biến động. Kiểm soát lạm phát và kiềm chế giá cả tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với kinh tế Việt Nam.
4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã vượt qua mốc 2%. Trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cho cả năm là dưới 4%. Như vậy, dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng, nguyên nhiên liệu đầu vào trên thế giới vẫn gia tăng và đứng ở mức cao.
"Lạm phát ở Việt Nam cho đến nay vẫn được kiểm soát tốt nhờ 3 nguyên nhân. Thứ nhất là nhu cầu trong nước vẫn đang phục hồi sau những tác động của dịch bệnh. Thứ hai là nỗ lực bình ổn trước tác động của giá năng lượng thế giới. Thứ 3 là giá lương thực tương đối ổn định. Tuy nhiên áp lực lạm phát vẫn là rất lớn, do sự leo thang của giá cả thế giới có thể đẩy chi phí sản xuất lên. Chúng ta cần phải hết sức cảnh giác và nhanh nhạy trước những áp lực giá mới. Điều quan trọng trong giai đoạn này là khả năng dự đoán và bám sát diễn biến tăng giá quốc tế và trong nước, làm sao để hạn chế được tăng giá nhiên liệu nhưng không làm tăng ồ ạt các loại mặt hàng khác", bà Era Dabla Norris, Vụ Châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đánh giá.
Kiểm soát lạm phát và kiềm chế giá cả tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Làm sao để hạn chế được tăng giá nguyên nhiên liệu và không để nó làm tăng ồ ạt các loại mặt hàng khác, đó cũng là thách thức không nhỏ được đặt ra cho việc điều hành kiểm soát lạm phát, kiềm chế giá cả lúc này.
"Chúng ta có thể còn dư địa để giảm. Việc giảm được giá xăng dầu và giữ được lạm phát thấp, đồng thời kích thích nền kinh tế thì có thể kéo theo nguồn thu khác ngoài thu từ xăng dầu và vẫn đảm bảo mục tiêu thu ngân sách của nhà nước", TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói.
"Chúng ta nên coi việc giảm thuế hiện nay là một khoản đầu tư của chính phủ cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này", ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định.
Thực tế, không chỉ Việt Nam đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng, mà nhiều nước trên thế giới cũng đã và đang phải đối diện và chấp nhận thực tế lạm phát tăng cao.
Cũng theo các chuyên gia, để tránh được vòng xoáy lạm phát, lúc này, cần phải ưu tiên kiểm soát chặt giá cả hàng hóa, giá nguyên, nhiên liệu và điều tiết, phối hợp các chính sách để kiềm chế lạm phát.